Về xã Đakrông, huyện Đakrông không ai là không biết đến anh Hồ Văn Tân, một cán bộ gương mẫu, tận tụy với công việc. Hơn 13 năm gắn bó với công tác Hội và phong trào nông dân, trên cương vị là Chủ tịch Hội, anh luôn năng động, nhiệt tình, gần dân và thấu hiểu những khó khăn của nông dân. Chừng ấy năm gắn bó với Hội cũng là chừng ấy năm anh luôn trăn trở và không ngừng đổi mới nội dung phương thức hoạt động Hội theo hướng thiết thực, hiệu quả; được đông đảo cán bộ, hội viên nông dân tin yêu, quý mến.
Anh Hồ Văn Tân (người đầu tiên bên trái) tuyên tuyền, vận động những đối tượng nghi vấn tàng trữ và sử dụng chất ma túy tại thôn Làng Cát, xã Đakrông
Xuất thân từ nông dân, trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp nên anh Tân rất hiểu người nông dân địa phương cần gì. Với bản tính chịu thương, chịu khó, năng nỗ và nhiệt tình trong các hoạt động của địa phương; năm 2007, anh Tân được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Nông dân xã. Thời gian đầu nhận công tác anh đã gặp rất nhiều khó khăn, bởi Đakrông là xã miền núi chủ yếu sản xuất nông nghiệp nhưng đất sản xuất ít, đa phần là đồi núi, đời sống nông dân còn nghèo khó, vất vả, hoạt động của một số chi Hội còn hạn chế chưa thu hút được nông dân vào Hội. Vì vậy, anh đã cùng tập thể Ban Chấp hành Hội Nông dân xã bám sát chương trình công tác của Hội cấp trên; chương trình, kế hoạch, nghị quyết của Cấp ủy, chính quyền địa phương để xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động của Hội phù hợp với điều kiện thực tế và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng ủy viên Ban Chấp hành, nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào của Hội cấp trên phát động, góp phần cùng chính quyền địa phương thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.
Thực hiện việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, anh Tân đã cùng với Ban Chấp hành đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi trâu, bò, trồng rừng và trồng sắn…. Qua thực hiện các mô hình, các hội viên nông dân đã học tập kinh nghiệm lẫn nhau; từ đó nâng cao năng suất và sản lượng cây trồng, vật nuôi cũng như chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Để phát triển phong trào theo hướng đa dạng, anh Tân đã tìm tòi nhiều giải pháp để hỗ trợ các hộ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản xuất bằng cách tạo vốn dưới nhiều hình thức như ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho 25 hộ khó khăn thôn Làng Cát trên vay với dư nợ 1,3 tỷ đồng; tín chấp qua Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho 300 hội viên vay với dư nợ hơn 18 tỷ đồng. Nhờ vậy đời sống của cán bộ, hội viên nông dân đã được cải thiện rõ rệt, bà con nông dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Đặc biệt, phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đã phát triển sôi nổi trong hội viên. Hàng năm, có trên 20 hộ thoát nghèo, có 78 mô hình nông dân làm kinh tế khá, giỏi… Tiêu biểu có các mô hình ông Hồ Văn Thảo thôn Pa Tầng với mô hình trồng rừng sản xuất và sắn, tạo việc làm cho từ 20-30 nông dân; mô hình ông Hồ Văn Phúc thôn Vùng Kho chuyên thu mua nông sản… cho thu nhập hơn 150 triệu đồng/ năm.
Để thu hút hội viên tham gia vào công tác Hội, anh Tân thường xuyên tuyên truyền đến hội viên, nông dân những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chương trình, nghị quyết, đề án Hội Nông dân cấp trên và các quy định của địa phương, đồng thời phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng của hội viên nông dân đến Hội và lãnh đạo địa phương, quan tâm đến đời sống của hội viên, nông dân. Hàng năm, cứ mỗi dịp chuẩn bị vào năm học mới, anh đều vận động những mạnh thường quân ủng hộ quà để động viên các em học sinh, sinh viên là con của hội viên nông dân có thành tích xuất sắc trong học tập, tuy không lớn nhưng đem lại nhiều niềm vui cho các em học sinh, sinh viên.
Năm 2020 đã xảy ra dịch bệnh Covid - 19, anh Tân đã thường trực vận động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho bà con thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh thông qua phát hơn 1.000 khẩu trang cho bà con nông dân trích từ ngân sách của Hội góp phần nâng cao nhận thức của hội viên trong phòng, chống dịch bệnh. Đặc biệt, trong tháng 10 vừa qua, trước thông báo khẩn của cấp trên, anh đã cùng các lực lượng chức năng tuyên truyền và giúp dân chằng chống nhà cửa, di dời dân ở những vùng thấp trũng, vùng có nguy cơ sạt lỡ đến nơi an toàn; vận động mỗi hội viên nhường cơm sẻ áo, của ít lòng nhiều chia sẻ với những hội viên bị lũ cuốn sập nhà. Chị Nguyễn Thị Lượng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đakrông cho biết: anh Hồ Văn Tân là một trong những cán bộ Hội rất năng nỗ, nhiệt tình và tận tụy với công tác của Hội. Anh luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, gần gũi và giúp đỡ bà con nông dân. Từ khi được tín nhiệm giữ chức Chủ tịch Hội Nông dân xã, các phong trào hoạt động của Hội Nông dân xã Đakrông phát triển mạnh mẽ hơn”.
Nói thêm về ước nguyện của mình, anh Tân chia sẻ: Cuộc sống của bà con nông dân ở miền núi còn rất nhiều khó khăn. Vì vậy, bản thân tôi muốn được cống hiến nhiều hơn, những gì tôi học được, biết được tôi đều muốn chia sẻ cho bà con mình, giúp họ phát triển kinh tế để thay đổi đời sống. Nhiều năm qua, anh Tân được Hội Nông dân huyện và UBND các cấp khen thưởng, năm 2020 anh được nhận Bằng khen của Hội Nông dân tỉnh vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác Hội và phong trào nông dân./.
Bài & ảnh: Lâm Phương - Văn Tiến