Hội viên nông dân Trần Văn Quang ở chi Hội thôn Bảng Sơn, xã Cam nghĩa, mặc dù bị bệnh tim luôn hành hạ mỗi khi trở trời, kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn nhưng anh không đầu hàng với số phận mà đã cùng vợ cố gắng vươn lên làm kinh tế thoát nghèo bền vững.
Mô hình chăn nuôi lợn bản của hội viên nông dân Trần Văn Quang ở chi Hội thôn Bảng Sơn, xã Cam nghĩa
Năm 2005, sau khi lập gia đình bắt tay vào phát triển kinh tế, vợ chồng anh chuyên đi mua bò giống về vỗ béo bán kiếm lời, chắt chiu từng đồng, tích cóp được một số vốn. Cứ ngỡ cuộc sống sẽ bớt khó khăn hơn, nhưng đến năm 2018 bệnh tim của anh tái phát phải điều trị 2 năm tại bệnh viện Trương ương Huế. Bao nhiêu tiền của đều dồn vào để chữa bệnh nhưng cứ trái gió trở trời là căn bệnh lại tại phát, 3 đứa con đang tuổi ăn, học, khó khăn chồng chất khó khăn. Sau thời gian điều trị bệnh trở về, được sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền địa phương, anh đã vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội mua lợn bản về nuôi lấy giống. Sau 8 tháng nuôi, 7 lợn nái đã đẻ được 45 lợn con/lứa, mỗi năm cho 2 lứa. Gia đình anh đã bán 60 con lợn giống với giá 120 triệu đồng lấy tiền vốn tiếp tục đầu tư, số còn lại anh để nuôi. Sau một năm nuôi thử nghiệm, đến nay đàn lợn của anh đã có trên 80 con giống và 7 con lợn mẹ, kinh tế gia đình đã bớt khó khăn và ngày một đi lên.
Anh cho biết: Nuôi lợn bản công chăm sóc rất ít, thức ăn cũng dễ như bột cám từ ngô, khoai sắn và các loại rau, cỏ, giá thành của lợn giống cũng rất cao, mỗi con khoảng 7 kg có giá 2,5 triệu đồng.
Đầu năm 2021, anh được Hội Nông dân xã quan tâm, tạo điều kiện vay vốn qua Ngân hàng Chính sách xã hội 50 triệu đồng để phát triển mô hình với quy mô lớn hơn. Anh đã mở rộng thêm chuồng trại, kho chứa thức ăn và mua thêm 10 tấn ngô, sắn làm thức ăn, trồng hơn 2 sào cây chè khổng lồ làm thức ăn. Sắp tới anh sẽ phát triển đàn lợn thêm 50 lợn mẹ để mỗi năm cung cấp ra thị trường trên 500 con giống. Bên cạnh đó, Hội Nông dân xã cũng đã tạo điều kiện cho anh tham gia các lớp tập huấn KHKT về chăn nuôi lợn để ứng dụng vào phát triển kinh tế có hiệu quả hơn. Được sự hướng dẫn nhiệt tình của cán bộ thú y xã trong cách tiêm phòng và chăm sóc lợn, vì vậy anh đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm hay để chăm sóc và điều trị bệnh cho lợn.
Anh Nguyễn Anh Hai - Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: anh Quang là hội viên nông dân luôn tích cực tham gia các hoạt động, phong trào của Hội như: xây dựng nông thôn mới, vệ sinh đường làng ngõ xóm, các buổi sinh hoạt Hội, các lớp tập huấn.
Ngoài chăn nuôi lợn gia đình anh còn buôn bán thêm các loại rau, củ, quả lấy từ những địa phương để tăng thu nhập cho gia đình. Các con của anh đều được học hành đến nơi đến chốn. Cháu đầu đang học năm hai của Trường Đại học Kinh tế Nghệ An, cháu đang có dự định sau khi ra trường sẽ phụ giúp ba mẹ đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi.
Năm 2020 Anh Trần Văn Quang là một trong những gương điển hình của xã Cam nghĩa trong việc vươn lên thoát nghèo, được bà con trong thôn yêu quý bởi anh không những là hội viên nông dân phát triển kinh tế của gia đình mà còn là người nhiệt tình giúp đỡ những hộ có cùng hoàn cảnh nhưng anh vươn lên trong cuộc sống.
Thu Hoài