Triệu Hòa là vùng đất trũng của huyện Triệu Phong, quanh năm chịu thiên tai, mưa bão và sự bất lợi của thời tiết, kinh tế chủ yếu là trồng lúa nên thu nhập không cao. Nắm bắt tâm tư và nguyện vọng của người dân, năm 2015 Hội Nông dân xã phối hợp với Trung tâm dạy nghề huyện Triệu Phong tổ chức các lớp dạy nghề cho nông dân trên địa bàn, trong đó có nghề trồng hoa cúc.
Hoa cúc vào độ thu hoạch của vợ chồng anh Phan Tiên thôn Hà My
Sau khi tham gia lớp học nghề trồng hoa cúc, vợ chồng anh Phan Tiên thôn Hà My nhận thấy hoa cúc có thể sinh trưởng và phát triển tốt trên đất pha cát của địa phương, phù hợp với thời tiết các mùa trong năm, vợ chồng anh mạnh dạn cải tạo vườn tạp, phá bỏ các loại cây có giá trị kinh tế thấp để trồng cây hoa cúc. Bước đầu anh đưa vào trồng thử nghiệm trên diện tích 200m2, sau hơn ba tháng chăm sóc, thu hoạch hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng các loại cây trồng khác. Năm 2017, sau khi được HTX chia một số diện tích ở vùng đất bồi ở cánh đồng Cồn Tàu Voi, thôn Hà My, anh đã mạnh dạn đổi đất của các hộ lân cận để mở rộng diện tích trồng hoa cúc với diện tích trên 2.000m2, trên cùng một đơn vị diện tích, anh sản xuất theo hình thức cuốn chiếu. Mỗi cây hoa cúc có giá 7000- 10.000đ/cây, anh thu nhập gần 120 triệu đồng/ năm
“Mô hình trồng hoa cúc quanh năm” của anh Phan Tiên là một trong những mô hình kinh tế tiêu biểu của xã Triệu Hòa, tạo công việc làm thường xuyên cho 4 lao động. Với sự mạnh dạn và dám nghĩ, dám làm trong việc chuyển đổi cây trồng, gia đình anh Phan Tiên đã thực sự làm giàu trên chính mảnh đất quê hương bằng mô hình trồng hoa cúc quanh năm.
Từ mô hình của anh Phan Tiên, trong thời gian tới Hội Nông dân xã sẽ nhân rộng ra trên địa bàn của xã, góp phần phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho bà con, thực hiện tốt chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới của xã nhà./.
Bài & ảnh: Lê Quang Thành