Anh Trần Quang Thắng, 29 tuổi, sinh ra trên vùng biển bãi ngang, thôn 5, xã Gio Hải, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị; trước đây, anh cùng bố đi làm nghề biển đánh bắt hải sản, sau sự cố ô nhiễm môi trường biển anh mạnh dạn chuyển đổi nghề nghiệp nuôi cá, nuôi ếch, nuôi gà…, bước đầu có những kết quả như mong muốn.
Ông Nguyễn Đán trao đổi kinh nghiệm nuôi ếch với anh Trần Quang Thắng
Được bồi thường thiệt hại sau sự cố ô nhiễm môi trường biển, với quyết tâm của người nông dân trẻ, anh Thắng đã quyết định để giành một phần kinh phí tu sửa lại tàu thuyền, mua sắm ngư lưới cụ giữ gìn nghề truyền thống của quê hương, phần còn lại trên 70 triệu đồng anh quyết định đầu tư đào 700 m2 ao nuôi cá nước ngọt, làm gièo nuôi mỗi lứa 500 con ếch và xây dựng chuồng trại chăn nuôi 500 con gà theo hướng bán công nghiệp. Theo tính toán của anh mỗi lứa nuôi gà, cá, ếch… khoảng 4 tháng, sau khi trừ mọi chi phí, tiền công mỗi tháng cũng được 5 triệu đồng, với mức thu nhập này ở vùng biển bãi ngang là một điều đáng khích lệ.
Anh nói: “Việc nuôi ếch, nuôi gà thì nhiều nơi làm rồi, người ta còn nuôi theo hướng công nghiệp áp dụng kỹ thuật cao, nhưng ở vùng biển bãi ngang của mình chăn nuôi, trồng trọt theo hướng trang trại, gia trại để chuyển đổi sinh kế vẫn còn hạn chế, chưa có nhiều người làm, mình đang còn trẻ phải mạnh dạn đi đầu khai thác lợi thế tiềm năng đất đai của địa phương, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, khi thành công làm mô hình cho bà con học tập và làm theo”.
Đồng chí Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Gio Hải cho biết thêm, gia đình anh Thắng thuộc hộ gia đình khó khăn của xã, nhưng anh có quyết tâm chuyển đổi nghề nghiệp, Hội Nông dân xã tạo điều kiện giúp anh học nghề, tiếp cận khoa học kỹ thuật, thị trường tiêu thụ, xây dựng dự án vay vốn giải quyết việc làm qua Ngân hàng Chính sách xã hội và Quỹ Hỗ trợ nông dân./.
Nguyễn Đán