Thời gian qua, cùng với phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi được đông đảo hội viên, nông dân xã Triệu Thành hưởng ứng tích cực. Nhiều mô hình sản xuất cho kinh tế cao góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống. Và mô hình nuôi thỏ khép kín của gia đình chị Nguyễn Trần Quỳnh Như hội viên nông dân chi hội An Tiêm, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong là một điển hình.
Mô hình nuôi thỏ khép kín của hội viên nông dân Nguyễn Trần Quỳnh Như, chi Hội An Tiêm, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong
Trước đây gia đình chị chăn nuôi lợn, gà, những năm gần đây chăn nuôi lợn thường bị dịch bệnh nên chị tính đến việc chuyển đổi vật nuôi. Vợ chồng anh chị quyết định chuyển hướng sang nuôi thỏ thương phẩm vừa phù hợp với khả năng, vừa phù hợp với nhu cầu của thị trường và cho hiệu quả kinh tế cao.
Năm 2017, bắt tay triển khai mô hình anh chị chỉ dám nuôi 10 con với số vốn đầu tư chuồng trại khép kín 30 triệu đồng. Thời gian đầu, do thiếu vốn, lại chưa nắm vững được kỹ thuật nuôi nên đàn thỏ dần chết phân nửa. Không nản chí, anh chị tiếp tục tìm hiểu, nhiều lần cất công đến các trại thỏ quanh vùng để mua con giống và học hỏi thêm cách chăm sóc, phòng trị bệnh cho thỏ.
Sau một thời gian tích lũy kinh nghiệm, năm 2018 từ nguồn vốn ưu đãi 50 triệu đồng qua kênh Hội Nông dân, vợ chồng chị Như quyết định triển khai mở rộng mô hình này trên diện tích chuồng trại hơn 50m2 với hơn 300 con thỏ, trong đó có 100 con sinh sản.
Theo vợ chồng chị Như, thỏ là vật nuôi dễ nuôi, sinh sản 5-7 lứa/năm, mỗi lứa trung bình từ 8-10 con nên chỉ trong một thời gian ngắn, đàn vật nuôi của anh chị phát triển tốt, sớm mang lại nguồn thu nhập. Thỏ thương phẩm từ 2,5 – 3 tháng có thể xuất chuồng, trọng lượng đạt từ 2-2,5kg/con. Bình quân mỗi tháng anh chị xuất bán khoảng 40 con thỏ thịt và 20 con thỏ giống, giá bán thỏ thịt ở mức ổn định với 80-90 nghìn đồng/kg thịt thỏ và 120.000đ/kg thỏ giống, thu lãi trên 5 triệu đồng/tháng.
Trong quá trình nuôi thỏ, anh chị vẫn thường xuyên tìm hiểu thêm về kỹ thuật chăm sóc thỏ, bảo đảm chuồng trại luôn sạch sẽ, khô thoáng. Đặc biệt, nguồn thức ăn của thỏ khá phong phú, chủ yếu là thức ăn xanh dễ kiếm tại địa phương như cỏ sữa, lá khoai lang, lá chuối, cám tinh…
Việc nuôi thỏ phù hợp với quy mô chăn nuôi hộ gia đình, gia trại. So với các loài vật nuôi khác, nuôi thỏ đầu ra dễ và được giá hơn, cho giá trị kinh tế cao. Nhờ nuôi thỏ, gia đình chị Như có thêm điều kiện phát triển kinh tế gia đình, lo cho con cái học hành. Không chỉ tập trung phát triển kinh tế, anh chị còn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ con giống để người dân trong và ngoài địa phương đưa thỏ thương phẩm vào chăn nuôi, nâng cao thu nhập./.
Trần Thúy