Ở miền tây Gio Linh là nơi nhiều đá tảng, những năm qua, người dân ở đây đã biết tận dụng nguồn tài nguyên này, tìm cách chẻ nhỏ đá thành vật liệu xây dựng, nâng cao thu nhập gia đình. Các nghề cắt đá nhọc nhằn đã đưa nhiều hộ nông dân trở nên khám khá, giàu có, trong đó anh Lê Văn Phong thôn An Đồng, xã Trung Sơn là một điển hình.
Mô hình cắt đá của anh Lê Văn Phong thôn An Đồng, xã Trung Sơn
Khi còn nhỏ anh đã biết làm nghề chẻ đá, phụ giúp gia đình. Năm 2002, sau khi lập gia đình, vợ chồng anh lại gắn bó với nghề chẻ đá. Với việc chẻ đá bằng tay, mặc dù công sức bỏ ra nhiều vợ chồng anh mỗi ngày thu được khoảng 30 ngàn đồng; cuộc sống gia đình rất khó khăn. Anh suy nghĩ: nếu cứ chẻ đá theo phương pháp thủ công thì mãi vẫn nghèo. Trăn trở, suy nghĩ nhiều đêm và tìm hiểu nhiều nơi, anh đã quyết định ra Nghệ An học nghề cắt đá.
Năm 2015 anh vay từ Ngân hàng và được bà con cho mượn 500 triệu đồng, đây là số vốn không hề nhỏ với một người làm nghề như anh. Sau khi mua máy đưa vào sử dụng khó khăn chồng chất khó khăn: máy công suất lớn nhưng tại địa phương nguồn điện không đủ để chạy máy, vợ chồng anh phải chuyển lên điện thế 3 pha, anh lại gặp khó khăn khác, tại địa phương là đá ba zan đặc thù rất cứng, cưa rất khó, hai tháng đầu cắt được 700 viên thu về gần 10 triệu đồng, nhưng phải trả tiền điện 26 triệu đồng. Anh chị được người bà con từ Nghệ An vào trực tiếp hướng dẫn thêm cho cách vận hành máy và sữa chữa máy, mọi khó khăn được tháo gỡ. Anh tâm sự: mới đầu tư máy về cả làng ai cũng bảo gia đình anh bị điện đem một cục sắt cả đống tiền. Nhưng vợ chồng anh với niềm đam mê dám nghĩ, dám làm và quyết không bỏ cuộc.
Đến nay mô hình anh đã đi vào hoạt động với công suất cao. Nguồn đá thu mua từ nhiều hộ trong vùng, mỗi tháng xưởng sản xuất được 70 tấn đá, tạo ra nhiều mặt hàng phong phú như làm lăng mộ nguyên khối, làm đá trang trí (tầng cấp, ốp lát nhà, sân vườn, tường rào), cắt đá vĩa hè tưởng niệm, bàn ghế, cắt đá theo yêu cầu…, sản phẩm của anh đã có mặt trong khắp nơi và ngoài tỉnh. Tổng thu nhập của gia đình anh gần 900 triệu đồng/năm. Mặc dù chưa có lãi cao nhưng gia đình anh đã đầu tư thêm xe chở đá, máy múc đá và nguồn đá dự trữ với số vốn lên đến 2 tỷ đồng.
Không những thay đổi cuộc sống gia đình mình, thấu hiểu được hoàn cảnh của các hộ khó khăn, hộ nghèo vì vậy anh đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 7 lao động. Trong đó có một em bị tự kỷ và 2 hộ nghèo có ba mẹ đau ốm triền miên đến nay gia đình đã thoát nghèo và xây được nhà kiên cố. Anh trả lương cho người có tay nghề cao tại xưởng là 12 triệu đồng/tháng và thấp nhất 5 triệu đồng/tháng.
Bài và ảnh: Thu Hoài