Thị xã Quảng Trị nhân rộng những mô hình kinh tế hiệu quả

Thứ hai - 01/12/2014 20:38 126 0
Thời gian qua, trên địa bàn thị xã Quảng Trị đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế mới, cho hiệu quả kinh tế khá cao, góp phần cải thiện thu nhập cho người dân.

Thời gian qua, trên địa bàn thị xã Quảng Trị đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế mới, cho hiệu quả kinh tế khá cao, góp phần cải thiện thu nhập cho người dân.

Tận dụng lợi thế diện tích đất vườn rộng, từ đầu năm 2012, anh Lý Quang Hào, khu phố 6, phường 3 xây dựng trang trại nuôi gà ta, gà Đông Tảo, gà tre và gà rừng. Để đảm bảo chất lượng thịt ngon, săn chắc cung cấp cho người tiêu dùng, thức ăn chủ yếu được anh Hào sử dụng trong chăn nuôi là thóc lúa. Với quy mô khoảng 100 gà ta thịt/lứa, sản phẩm gà thịt chủ yếu cung cấp cho các nhà hàng trên địa bàn thị xã Quảng Trị với giá bình quân từ 120- 150 ngàn đồng/kg. Riêng gà rừng, gà tre và gà Đông Tảo, chủ yếu cung cấp con giống cho các hộ có nhu cầu chăn nuôi trên địa bàn trong và ngoài tỉnh.

Mô hình nuôi bồ câu Pháp VN1 đem lại thu nhập khá cao cho gia đình anh Lý Quang Hào, KP 6, phường 3, thị xã Quảng Trị

Thấy mô hình hiệu quả, đầu ra ổn định, có thời điểm gà thịt không cung cấp đủ cho nhu cầu của người tiêu dùng trên địa bàn, anh Hào đã mở rộng quy mô chăn nuôi gà, đến nay bình quân đạt 300 con gà thịt/lứa. Tích luỹ vốn dần qua việc chăn nuôi gà; qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng internet, anh Hào đã tìm tòi, học hỏi thêm mô hình nuôi bồ câu Pháp VN1. Nhận thấy kỹ thuật nuôi, chăm sóc bồ câu khá đơn giản, điều kiện nuôi rất phù hợp để áp dụng tại địa phương, đầu năm 2013, anh Hào mở rộng trang trại, nuôi thử 25 cặp giống bồ câu. Sau một thời gian theo dõi, thấy bồ câu sinh trưởng và phát triển tốt, anh mở rộng quy mô nuôi, đến nay đã có trên 100 cặp bồ câu bố mẹ, bình quân mỗi tháng xuất bán từ 35-40 cặp bồ câu con ra ràng, giá 100 ngàn đồng/ cặp. Cũng như gà thịt, đầu ra của bồ câu con rất ổn định, chủ yếu thương lái đến đặt mua tại chỗ để phục vụ nhu cầu thực phẩm cho các khách sạn, nhà hàng, một phần cung cấp cho các trường mầm non và các hộ gia đình trên địa bàn thị xã.

Anh Hào cho biết: “Do đặc tính của bồ câu là loài động vật hoang dã, chỉ cần một không gian thoáng mát, ánh sáng đầy đủ, sạch sẽ, cung cấp nguồn thức ăn 2 lần/ ngày, nguồn nước uống sạch sẽ là môi trường thuận lợi để bồ câu sinh trưởng và phát triển tốt. Chi phí đầu tư cho chăn nuôi bồ câu cũng thấp, rất thuận lợi trong việc phát triển kinh tế hộ gia đình. Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ thịt bồ câu trên thị trường khá lớn nhưng gia đình không đủ số lượng để cung cấp theo đơn đặt hàng của khách. Đây là một mô hình có hiệu quả kinh tế khá cao, đầu ra thuận lợi, có thể nhân rộng trên địa bàn. Sắp tới, nếu có thêm nguồn vốn, trên cơ sở quỹ đất còn lại của gia đình, tôi dự kiến sẽ mở rộng thêm chuồng trại để chăn nuôi gà ta và thả thêm khoảng 100 cặp bồ câu giống”.

Sau khi hoàn thành chương trình Trung cấp đóng tàu, anh Lê Thanh Hùng ở khu phố 8, phường 3 về quê, chọn mô hình kinh tế tổng hợp để làm ăn. Anh Hùng đến với nghề nuôi bồ câu Pháp một cách tình cờ khi thấy hiệu quả của việc nuôi 20 cặp bồ câu trong gia đình. Nhận thấy đây là con nuôi dễ tính, ít dịch bệnh, trong khi nhu cầu tiêu thụ thịt bồ câu tại địa phương khá lớn, anh Hùng đã tìm tòi kỹ thuật nuôi bồ câu qua mạng internet, sách báo, tham gia các lớp tập huấn chuyển giao KHKT, tham quan một số mô hình nuôi tại địa phương. Tháng 1/2014, anh Hùng quyết định thuê 500 m2 đất, đầu tư 170 triệu đồng để mở trang trại chăn nuôi bồ câu Pháp VN1. Với trên 80 cặp chim giống, tính đến nay anh Hùng đã xuất bán ra thị trường trên 800 cặp bồ câu ra ràng.

Anh Hùng cho biết: “Hiện tại, trang trại không đủ chim thịt để cung cấp cho khách hàng do nhu cầu của thị trường quá lớn. Vào thời kỳ cao điểm, tôi phải nhập thêm bồ câu thịt từ các nơi khác để cung cấp cho khách hàng”. Bên cạnh nuôi bồ câu, để tận dụng không gian và nguồn thức ăn sẵn có, anh Hùng còn thả thêm 200 con gà /lứa, bình quân mỗi năm xuất bán từ 5-6 lứa gà thịt. Hiện tại, anh đang nuôi thử nghiệm thêm gà Sao và gà Đông Tảo, nếu thành công sẽ mở rộng quy mô nuôi gà để nâng cao thu nhập. Tuy mới xây dựng nhưng mô hình kinh tế tổng hợp của anh Hùng bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế khá cao với tổng thu nhập trên 100 triệu đồng/năm, trừ mọi chi phí lãi ròng gần 50 triệu đồng. Trên cơ sở những thành công bước đầu, anh Hùng cho biết: “Do trang trại mới thành lập nên ban đầu đang gặp một số khó khăn, với nguồn lãi ròng thu được, tôi tập trung đầu tư phát triển chuồng trại, mua thêm con giống để tái sản xuất. Dựa trên lợi thế nhu cầu thị trường và sự hỗ trợ của địa phương, trong thời gian tới tôi dự kiến sẽ mở rộng thêm quy mô trang trại, cung cấp bồ câu giống, bồ câu thịt và gà thịt cho thị trường để nâng cao thu nhập”.

Thời gian qua, trên địa bàn thị xã Quảng Trị đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế mới, đem lại hiệu quả kinh tế khá cao. Tiêu biểu như mô hình nuôi gà ta, nuôi bồ câu Pháp, nuôi chim trĩ; trồng thanh long ruột đỏ, trồng rau, hoa tập trung... Thực tế cho thấy, các mô hình kinh tế nông nghiệp thành công trên địa bàn đã cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho nhân dân. Góp phần thúc đẩy việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá, khai thác và tận dụng được lợi thế, thế mạnh của địa phương. Bên cạnh đó, thông qua các mô hình, người dân có điều kiện để tiếp cận, học hỏi cách làm hay, chia sẻ kinh nghiệm, từng bước nhân rộng, góp phần tạo ra những thay đổi trong diện mạo của quê hương. Do vậy, việc nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả trong nông nghiệp là việc làm rất cần thiết, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới.

Ông Lê Văn Tâm, chuyên viên Phòng Kinh tế- Hạ tầng thị xã Quảng Trị cho biết: “Thời gian qua, địa phương đã có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích để phát triển kinh tế nông nghiệp trên địa bàn. Đặc biệt, với các mô hình mới có hiệu quả kinh tế, địa phương đã tiến hành khảo sát và hỗ trợ một phần kinh phí để giúp các hộ bổ sung thêm nguồn giống nhằm động viên kịp thời các hộ yên tâm sản xuất. Trong thời gian tới, Phòng Kinh tế- Hạ tầng sẽ tiếp tục tham mưu với chính quyền địa phương mở thêm các lớp tập huấn, tạo điều kiện cho các chủ trang trại đi tham quan mô hình ở một số địa phương khác để rút kinh nghiệm, làm điểm nhân rộng trên địa bàn”.

Baoquangtri.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Liên kết Website
Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
Chính phủ Nước CHXHCNVN
https://quochoi.vn/
Báo Nhân dân
Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật
Cổng Thông tin điện tử Tỉnh ủy Quảng Trị
Báo Quảng Trị
Đài PT-TH tỉnh
Trang Thông tin điện tử UBND tỉnh
Trang tin điện tử Bộ Nông nghiệp&PTNT
Hội Nông dân Việt Nam
Báo điện tử Dân việt
Sở Nông nghiệp &PTNT
Sở khoa học công nghệ tỉnh Quảng Trị
Sở lao động TB&XH tỉnh Quảng Trị
Cổng thông tin điện tử pháp điển
Thăm dò ý kiến

Bạn nghĩ sao về sự thay đổi giao diện mới của trang web Hội Nông dân Quảng Trị so với phiên bản cũ?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập56
  • Máy chủ tìm kiếm8
  • Khách viếng thăm48
  • Hôm nay16,642
  • Tháng hiện tại331,024
  • Tổng lượt truy cập2,209,402
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây