Ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp là một trong những giải pháp an toàn để đưa sản xuất nông nghiệp hữu cơ thay thế dần nền nông nghiệp vô cơ, đem lại nhiều lợi ích cho người trực tiếp sản xuất cũng như người tiêu dùng sản phẩm và môi trường sinh thái.
Sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi gà ở Trung Giang, Gio Linh
Hiện nay, sự phát triển của nền sản xuất nông nghiệp nước ta nói chung và tỉnh Quảng Trị nói riêng đang đi vào mức độ thâm canh cao với việc sử dụng ngày càng nhiều các loại phân bón vô cơ, thức ăn có nhiều chất kích thích, xử lý môi trường chăn nuôi bằng hóa chất…với mục đích khai thác năng suất và sản lượng. Chính vì vậy đã làm cho môi trường sản xuất nông nghiệp ngày càng bị thoái hóa, mất cân đối về dinh dưỡng, mất cân bằng hệ sinh thái, hệ vi sinh vật trong đất bị phá hủy…Để hướng đến một nền nông nghiệp sạch và phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và sức khỏe con người, yêu cầu đặt ra cho ngành Nông nghiệp là phải thực hiện nghiêm ngặt các quy trình, tiêu chuẩn trong sản xuất an toàn và đảm bảo chất lượng cho sản phẩm.
Chăn nuôi là nghề truyền thống của nông dân và có vai trò rất quan trọng trong đời sống kinh tế- xã hội; là ngành cung cấp nguồn thực phẩm chủ yếu cho tiêu dùng, giải quyết nhiều việc làm cho lao động nông thôn và tạo ra giá trị sản xuất lớn trong ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, phương thức chăn nuôi hiện nay trên địa bàn tỉnh theo mô hình nông hộ (chiếm hơn 90%). Vì vậy, việc quản lý và xử lý chất thải chăn nuôi ít được quan tâm. Nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thường tự ý mua thuốc kháng sinh về sử dụng nên ngành chức năng khó kiểm soát. Các hộ chăn nuôi sử dụng kháng sinh còn tùy tiện, ít chú ý đến quy trình hướng dẫn của nhà sản xuất trong điều trị. Hơn nữa, nhiều địa phương thiếu quy hoạch chăn nuôi đã gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi diễn ra ngày càng trầm trọng. Bên cạnh đó, việc lạm dụng quá nhiều kháng sinh và chất kích thích tăng trưởng đã gây ra nhiều hệ lụy về sức khỏe con người cũng như sức đề kháng của vật nuôi. Trước thực trạng đó, việc tìm giải pháp để giảm thiểu dần việc lạm dụng thuốc thú y và chất kích thích trong chăn nuôi cũng như ô nhiễm môi trường do chăn nuôi gây ra được ngành Nông nghiệp quan tâm thực hiện.
Qua nhiều nghiên cứu từ thực tiễn và ứng dụng các khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, biện pháp thay thế được chú trọng là sử dụng các chế phẩm sinh học. Vấn đề sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi trước đây có thể được giải quyết thông qua việc sử dụng các lợi khuẩn nhằm giúp tiêu diệt các vi khuẩn có hại. Các loại kháng sinh thảo dược bao gồm hỗn hợp chất được chiết ra từ các loại thảo dược như gừng, tỏi, tinh dầu cây hương thảo, nghệ, xạ hương… Các loại chất này có khả năng kháng khuẩn cũng như kích thích vật nuôi thèm ăn, tăng cao khả năng hấp thu dinh dưỡng từ thức ăn.
Vấn đề ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi cũng được xử lý bằng việc ứng dụng hệ vi sinh vật để làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi đang dần phổ biến. Sử dụng chế phẩm sinh học làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi hoặc phun trực tiếp vào nền chuồng nuôi, sử dụng để ủ chất thải chăn nuôi làm phân hữu cơ đem lại hiệu quả thiết thực. Sử dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi mang lại nhiều lợi ích như: Vật nuôi khỏe mạnh, ít bệnh tật, tăng trọng nhanh, chất lượng thịt thơm ngon, đặc biệt khử mùi hôi trong chất thải chăn nuôi, tạo môi trường sống tốt cho vật nuôi, cải thiện môi trường làm việc cho người lao động. Bên cạnh đó, việc áp dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi còn góp phần thay đổi thói quen, nâng cao ý bảo vệ môi trường của người dân, tạo ra nguồn phân hữu cơ tốt cho cây trồng. Anh Trần Phát, ở thôn Hà Lợi Trung, xã Trung Giang, Gio Linh cho biết: “Trang trại của tôi nuôi khoảng 8.000 con gà/lứa; tôi đã sử dụng đệm lót sinh học để xử lý chất thải của gà nên khu vực chăn nuôi hoàn toàn không có mùi hôi. Các lợi khuẩn trong một vài chế phẩm sinh học còn được trộn vào thức ăn nên gà chóng lớn, ít dịch bệnh. Cứ sau mỗi lứa 80 ngày nuôi, phân gà đã qua xử lý bằng chế phẩm sinh học tôi bán được 7 triệu đồng”.
Nhiều chế phẩm sinh học được áp dụng phổ biến như: Chế phẩm EM, men vi sinh Sacharomyces, PM2, BioZym, các chế phẩm sinh học vườn sinh thái… giúp gia súc, gia cầm phát triển tốt, tăng trọng nhanh, giảm tiêu tốn và chi phí thức ăn, giảm tỷ lệ mắc bệnh, xử lý chất thải trong chăn nuôi, khử mùi hôi, tạo môi trường sạch. Bên cạnh các sản phẩm của các công ty trong nước thì hiện nay Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tỉnh cũng đã sản xuất các chế phẩm sinh học ứng dụng trong chăn nuôi như chế phẩm Compo-QTMIC sử dụng để xử lý chất thải động vật làm phân bón hữu cơ hiệu quả cao.
Các chương trình, dự án cũng chú trọng đến vấn đề hỗ trợ áp dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi. Năm 2017, thông qua chương trình hỗ trợ phát triển chăn nuôi đã có 195 mô hình ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi. Từ các mô hình điểm đó, đến nay nông dân đã tự nhân rộng việc sử dụng đệm lót sinh học không chỉ mang lại lợi ích trong chăn nuôi mà còn hỗ trợ tốt cho trồng trọt phát triển, nguồn phân hữu cơ từ việc sử dụng đệm lót sinh học xử lý chất thải động vật được các nhà vườn tin dùng. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Hiền cho biết: “Từ lợi ích của việc sử dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi đưa lại nên hiện nay nông dân đã sử dụng chế phẩm sinh học vào chăn nuôi ngày càng rộng rãi. Việc sử dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi còn hỗ trợ nhiều cho trồng trọt. Do đó, ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp là sản xuất bền vững và hiệu quả”.
Hiệu quả sử dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi đã thấy rõ. Tuy nhiên, một số lĩnh vực trong chăn nuôi vẫn chưa nhân rộng được như chăn nuôi lợn (đa số người chăn nuôi đã xây dựng chuồng trại từ trước do đó nếu chuyển sang nuôi theo phương pháp đệm lót sinh học cần phải cải tạo lại chuồng nên vẫn còn e ngại). Do đó, ngành chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để người chăn nuôi lợn sử dụng đệm lót sinh học vừa xử lý tốt môi trường, vừa tạo được nguồn phân chuồng phục vụ cho nhu cầu sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Theo Báo Quảng Trị