Thời gian qua, mặc dù các địa phương trong tỉnh Quảng Trị đã tập trung chỉ đạo phòng trừ rầy ngay từ đầu vụ, nhưng do thời tiết nắng nóng xen kẽ mưa rào đã tạo điều kiện thuận lợi cho rầy các loại tăng nhanh mật độ trên đồng ruộng. Đây chính là môi giới gây nguy cơ phát bệnh lùn sọc đen hại lúa trên diện rộng. Công tác quản lý rầy lưng trắng và bệnh lùn sọc đen hại lúa hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Các cán bộ kỹ thuật kiểm tra tình hình sâu bệnh trên cây lúa
Vụ hè thu năm nay, toàn tỉnh gieo cấy gần 21.950 ha lúa, đạt 98,4% KH. Diện tích lúa chưa gieo chủ yếu tập trung ở hai huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa. Theo báo cáo của các địa phương, diện tích lúa gieo trà đầu sinh trưởng khá tốt, đang ở giai đoạn làm đòng. Diện tích còn lại các địa phương đang tích cực dặm tỉa, bón phân thúc đẻ nhánh. Thời gian qua do nước tưới không đảm bảo nên ảnh hưởng rất lớn đến quá trình chăm sóc, cây lúa phát triển kém.
Ngay từ đầu vụ hè thu 2018, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh phối hợp với Trung tâm Bảo vệ thực vật Vùng khu IV thu thập mẫu và test 548 mẫu rầy, đã phát hiện 10 mẫu rầy lưng trắng và 1 mẫu lúa dương tính với vi rút lùn sọc đen phương nam. Cụ thể, tại An Mỹ, Gio Mỹ, Gio Linh có 1/37 mẫu; Cao Xá, Trung Hải, Gio Linh có 3/8 mẫu; Lai Bình, Vĩnh Chấp, Vĩnh Linh có 1/2 mẫu. Hiện nay, rầy lưng trắng (môi giới truyền bệnh) đã phát sinh gây hại ở hầu hết các huyện, thị xã, thành phố. Theo báo cáo nhanh của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, tính đến ngày 12/7/2018, tổng diện tích nhiễm (DTN) rầy toàn tỉnh lên đến 5.545 ha (tăng 1.605 ha so với cùng kỳ năm trước), trong đó nhiễm nặng 810 ha, mật độ phổ biến 1.000 - 2.000 con/m2 , nơi cao 3.000 - >5.000 con/m2 . Một số địa phương có DTN rầy cao như Triệu Phong (DTN 2.260 ha, nặng 520 ha), Gio Linh (DTN 1.580 ha, nặng 235 ha), Cam Lộ (DTN 825 ha, nặng 5 ha), Vĩnh Linh (DTN 295 ha, nặng 40 ha). Bên cạnh đó, chi cục cũng đã thu thập mẫu gửi giám định phát hiện 12/1.001 mẫu rầy lưng trắng và 3/6 mẫu lúa dương tính với vi rút lùn sọc đen phương nam ở các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh. Tổng diện tích lúa nhiễm bệnh lùn sọc đen ở Trung Sơn (Gio Linh), Vĩnh Chấp (Vĩnh Linh) là 4,5 ha. Để kịp thời ngăn ngừa mầm bệnh lây lan trên diện rộng, các địa phương đã tiến hành nhổ vùi 2,2 ha và tiêu hủy 0,3 ha lúa bị bệnh.
Hiện nay, cây lúa đang ở thời kỳ cuối đẻ nhánh. Do ảnh hưởng của nắng nóng nên cây lúa sinh trưởng kém, công tác chỉ đạo phun trừ rầy gặp nhiều khó khăn do thiếu nước. Trong khi đó có hơn 4.000 ha lúa gieo cấy trễ hơn so với lịch thời vụ của tỉnh và cơ cấu giống ở nhiều địa phương chưa tuân thủ theo khuyến cáo của tỉnh, tỷ lệ giống nhiễm rầy (HC95, VN10…) ở nhiều vùng như Gio Linh, Triệu Phong… vẫn còn cao. Đây chính là điều kiện thuận lợi cho rầy phát sinh nhiều lứa gối nhau, đồng thời nguy cơ phát sinh bệnh lùn sọc đen trên diện rộng là rất lớn. Theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Nguyễn Hồng Phương, ngoài những khó khăn trên, thì việc chưa tuân thủ đúng kỹ thuật khi tiến hành phun thuốc trừ rầy của người dân đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả phòng trừ và ngăn ngừa sâu bệnh. “Để phun thuốc có hiệu quả, người dân cần đi chậm và phun vào phần gốc lúa nơi rầy tập trung. Khi phun phải đảm bảo lượng nước thuốc 16 lít/sào (500 m2 ) trở lên. Đối với những ruộng có mật độ rầy quá cao thì sau 3 ngày kiểm tra lại nếu mật độ vẫn cao tiến hành phun lần 2. Trong giai đoạn này người dân cần thăm ruộng thường xuyên để phát hiện và nhổ tỉa tiêu hủy (vùi xuống bùn) ngay các khóm, dảnh lúa bị bệnh. Nếu có trên 30% số dảnh lúa bị bệnh thì tiến hành tiêu hủy ngay cả ruộng bằng cách cày vùi diệt mầm bệnh, trước khi cày vùi phải phun thuốc trừ rầy lưng trắng (nếu có) để ngăn chặn nguồn bệnh phát tán sang ruộng khác”, bà Phương khuyến cáo.
Để tiếp tục có các giải pháp tập trung, quyết liệt phòng trừ rầy, chăm sóc cây lúa, hạn chế thấp nhất dịch bệnh ảnh hưởng đến năng suất lúa cuối vụ, ngành nông nghiệp khuyến cáo các địa phương chỉ đạo nông dân ra quân diệt trừ rầy ở những nơi có mật độ cao, thường xuyên kiểm tra mật độ rầy, bệnh lùn sọc đen trên đồng ruộng, đặc biệt chú ý các giống nhiễm nặng như VN10, P6, HC 95,… các chân ruộng gieo dày, bón thừa đạm, vùng ổ dịch các vụ trước để phát hiện và xử lý kịp thời. Đối với bệnh lùn sọc đen cần tăng cường điều tra phát hiện, xác định những diện tích lúa bị bệnh, nguy cơ bị bệnh để có hướng xử lý kịp thời như tiến hành nhổ vùi cây lúa để tránh bệnh lây lan. Những diện tích lúa nhiễm nhiễm bệnh với tỷ lệ trên 30% cần khẩn trương phun thuốc trừ rầy tiếp xúc vào ruộng bị bệnh và bao vây mở rộng ra vùng xung quanh để quản lý môi giới truyền bệnh, không để lây lan sang ruộng khác sau đó tiến hành tiêu hủy. Ngoài ra, các đơn vị chức năng cũng cần tích cực hỗ trợ, hướng dẫn nông dân các biện pháp chăm sóc cây lúa, nhất là tăng cường sử dụng các loại phân bón qua lá để tăng sức đề kháng và rút ngắn thời gian sinh trưởng. “Ngoài việc cơ quan chuyên môn cử cán bộ kỹ thuật bám sát cơ sở thường xụyên thăm đồng để kiểm tra, phát hiện, dự tính dự báo chính xác, nắm bắt thông tin và chỉ đạo, hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trừ hiệu quả, tăng cường công tác tập huấn, tuyên truyền kịp thời đến nông dân về các triệu chứng và biện pháp xử lý rầy, bệnh lùn sọc đen thì quan trọng nhất vẫn là ý thức tuân thủ của người dân trong việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh thì mới nâng cao hiệu quả”, bà Nguyễn Hồng Phương cho biết./.
Theo Báo Quảng Trị