Cảnh báo nguy cơ bùng phát bệnh lùn sọc đen gây hại lúa

Thứ hai - 09/07/2018 23:32 101 0
Vụ hè thu 2017 vừa qua, toàn tỉnh Quảng Trị có 8/9 huyện, thị xã, thành phố bị nhiễm bệnh lùn sọc đen với tổng diện tích 1.774,9 ha, trong đó nhiễm nặng 1.279,07 ha, gây ảnh hưởng lớn đến năng suất, sản lượng lúa. Vụ hè thu năm nay, mặc dù ngay từ đầu vụ ngành nông nghiệp đã phối hợp với các địa phương tổ chức tập huấn hướng dẫn cách làm đất, bón vôi, xử lý hạt giống với mục đích không để bệnh lùn sọc đen xuất hiện trở lại, nhưng do nhiều nguyên nhân, hiện tại loại bệnh này đã phát sinh và có nguy cơ bùng phát trên diện rộng.
Cảnh báo nguy cơ bùng phát bệnh lùn sọc đen gây hại lúa

Vụ hè thu 2017 vừa qua, toàn tỉnh Quảng Trị có 8/9 huyện, thị xã, thành phố bị nhiễm bệnh lùn sọc đen với tổng diện tích 1.774,9 ha, trong đó nhiễm nặng 1.279,07 ha, gây ảnh hưởng lớn đến năng suất, sản lượng lúa. Vụ hè thu năm nay, mặc dù ngay từ đầu vụ ngành nông nghiệp đã phối hợp với các địa phương tổ chức tập huấn hướng dẫn cách làm đất, bón vôi, xử lý hạt giống với mục đích không để bệnh lùn sọc đen xuất hiện trở lại, nhưng do nhiều nguyên nhân, hiện tại loại bệnh này đã phát sinh và có nguy cơ bùng phát trên diện rộng.


Nông dân tập trung chăm sóc lúa vụ hè thu

Vụ hè thu năm nay, huyện Vĩnh Linh gieo cấy gần 3.000 ha lúa với các giống chủ lực có thời gian sinh trưởng ngắn, có năng suất, chất lượng cao như: HT1, LDA1, Thiên ưu 8… Hiện nay, cây lúa đang ở giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng. Tuy nhiên trước diễn biến phức tạp của thời tiết, đặc biệt là tình trạng nắng nóng kéo dài kết hợp với gió tây nam thổi mạnh thời gian qua là điều kiện thuận lợi để các loại dịch bệnh hại lúa như rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh lùn sọc đen… xuất hiện và có nguy cơ bùng phát nếu không kịp thời phát hiện và khống chế. Theo kết quả điều tra sâu bệnh hại lúa của Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) huyện Vĩnh Linh, hiện trên đồng ruộng đã xuất hiện rầy các loại, trong đó chủ yếu là rầy lưng trắng với mật độ trung bình 300 - 500 con/m2, nơi cao 1.000 - 1.500 con/ m2 chủ yếu là rầy cám. Tại các ổ dịch cũ và các chân ruộng gieo cấy dày của các xã như: Vĩnh Sơn, Vĩnh Lâm, Vĩnh Thủy, Vĩnh Chấp, Vĩnh Long… với diện tích nhiễm gần 300 ha. Đặc biệt, sau khi phân tích mẫu rầy và mẫu lúa đã phát hiện 1 mẫu rầy và 1 mẫu lúa tại HTX Lai Bình (xã Vĩnh Chấp) dương tính với vi rút lùn sọc đen. Để kịp thời khống chế và dập tắt điểm dịch, huyện Vĩnh Linh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức ra quân phun thuốc trừ rầy trên toàn bộ diện tích 45 ha lúa của HTX.

Tại huyện Gio Linh, vụ hè thu năm nay gieo cấy hơn 3.600 ha. Hiện tại trên đồng ruộng cây lúa đang ở giai đoạn đẻ nhánh. Mặc dù ngay từ đầu vụ huyện đã tập trung chỉ đạo các HTX và nông dân các biện pháp xử lý tàn dư mầm bệnh như cày vùi gốc rạ sớm, xử lý hạt giống, thực hiện gieo trồng theo lịch thời vụ và cơ cấu giống... Tuy nhiên do điều kiện thời tiết nắng nóng và gió tây nam thổi mạnh, cây lúa đã vào giai đoạn bón thúc đẻ nhánh nhưng một số vùng chưa có nước tưới để bón phân nên cây lúa sinh trưởng chậm. Rầy chuyển tiếp từ vụ đông xuân sang vụ hè thu và rầy di trú từ miền Bắc vào nên bên cạnh các đối tượng dịch hại như ốc bươu vàng, chuột... thì rầy lưng trắng đã phát sinh gây hại trên đồng ruộng với diện tích gần 2.840 ha. Trong đó, mật độ trung bình 100 - 500 con/m2 với diện tích nhiễm 2.131 ha (chủ yếu là rầy trưởng thành); mật độ 700 - 1.000 con/m2 với diện tích nhiễm 670,9 ha ở các vùng như HTX Thủy Khê, HTX Cẩm Phổ (xã Gio Mỹ), HTX Lan Đình (xã Gio Phong), HTX Quang Hạ (Gio Quang), xã Gio Mai... Qua kết quả phân tích mẫu rầy thu thập được trên địa bàn huyện đã có 9 mẫu rầy tại các xã Gio Mỹ, Trung Hải, Gio Châu và thị trấn Gio Linh dương tính với bệnh lùn sọc đen. Trước tình hình đó, huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cử cán bộ về tận HTX hướng dẫn cho người dân phun các loại thuốc đặc hiệu, kịp thời ngăn chặn không để bệnh lùn sọc đen gây hại trên diện rộng.

Phó Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV Trần Minh Tuấn cho biết, bệnh lùn sọc đen do vi rút lùn sọc đen phương Nam gây ra mà môi giới truyền bệnh chính là rầy lưng trắng. Cây lúa bị bệnh có triệu chứng chung là thấp lùn, lá xanh đậm hơn bình thường; lá lúa bị bệnh bị xoăn ở đầu lá hoặc toàn bộ lá; gân lá mặt sau bị sưng lên; từ giai đoạn làm đòng và khi lúa có long, cây bị bệnh thường nảy chồi trên đốt thân và mọc nhiều rễ bất định; cây lúa không trổ bông được hoặc trổ bông không thoát và hạt thường bị đen. Bệnh cũng có thể tồn lưu trên lúa chét của cây lúa bị bệnh trước đó. Bệnh lùn sọc đen phát sinh và gây hại nặng trên địa bàn tỉnh lần đầu tiên vào vụ hè thu 2010 với tổng diện tích nhiễm lên tới 1.523 ha, trong đó có 534 ha phải tiêu hủy. Do nhiều nguyên nhân, trong vụ hè thu 2017, trên đồng ruộng Quảng Trị bệnh lùn sọc đen xuất hiện trở lại và gây hại ở nhiều nơi. Theo thống kê của Chi cục TT&BVTV, toàn tỉnh đã có hơn 1.279 ha bị thiệt hại nặng, tập trung chủ yếu ở các huyện Gio Linh, Vĩnh Linh, Cam Lộ và TP. Đông Hà. Nhiều HTX có trên 70% diện tích bị bệnh, năng suất lúa đạt rất thấp, có một số nơi mất trắng, phải tiêu hủy. Hiện nay theo điều tra của Chi cục TT&BVTV, toàn tỉnh đã có hơn 4.435 ha lúa bị nhiễm rầy, trong đó nhiễm trung bình 1690,9 ha, nhiễm nặng 48 ha. Điều đáng lo ngại là trong số 727 mẫu rầy lưng trắng và 4 mẫu lúa xét nghiệm đã có 10 mẫu rầy và 2 mẫu lúa dương tính với vi rút lùn sọc đen. Điều đặc biệt nguy hiểm là hiện nay cây lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh, nếu bệnh lùn sọc đen tiếp tục phát sinh mạnh thì có khả năng có một số diện tích sẽ phải tiêu hủy nếu không có các biện pháp phòng trừ kịp thời, dứt điểm.

Ông Tuấn khuyến cáo, do tác nhân gây bệnh lùn sọc đen là vi rút nên không có thuốc đặc hiệu để phòng trừ. Vì vậy để hạn chế thấp nhất thiệt hại do bệnh lùn sọc đen gây ra, với những diện tích lúa có triệu chứng bệnh có tỷ lệ nhỏ hơn 10% đối với giai đoạn đẻ nhánh- đứng cái và nhỏ hơn 20% đối với giai đoạn làm đòng trở đi nông dân cần khẩn trương phun trừ thuốc trừ rầy; phun ngay vào ruộng bị bệnh và bao vây các ruộng xung quanh để quản lý môi giới truyền bệnh, không để lây lan sang ruộng khác sau đó nhổ bỏ và tiêu hủy cây lúa bị bệnh. Việc tiêu hủy cả ruộng lúa bị bệnh chỉ thực hiện khi ruộng lúa bị bệnh nặng, khó có khả năng phục hồi và không còn khả năng cho năng suất. “Chi cục đã chỉ đạo cán bộ kỹ thuật tích cực bám sát đồng ruộng, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để triển khai đồng bộ các biện pháp phòng trừ. Trong đó chú trọng hướng dẫn nông dân thường xuyên thăm đồng để kiểm tra mật độ rầy, bệnh lùn sọc đen để phát hiện và xử lý kịp thời. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn cho nông dân về các triệu chứng và biện pháp phòng trừ rầy và bệnh lùn sọc đen hiệu quả”, ông Tuấn cho biết.

Theo Baoquangtri.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Liên kết Website
Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
Chính phủ Nước CHXHCNVN
https://quochoi.vn/
Báo Nhân dân
Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật
Cổng Thông tin điện tử Tỉnh ủy Quảng Trị
Báo Quảng Trị
Đài PT-TH tỉnh
Trang Thông tin điện tử UBND tỉnh
Trang tin điện tử Bộ Nông nghiệp&PTNT
Hội Nông dân Việt Nam
Báo điện tử Dân việt
Sở Nông nghiệp &PTNT
Sở khoa học công nghệ tỉnh Quảng Trị
Sở lao động TB&XH tỉnh Quảng Trị
Cổng thông tin điện tử pháp điển
Thăm dò ý kiến

Bạn nghĩ sao về sự thay đổi giao diện mới của trang web Hội Nông dân Quảng Trị so với phiên bản cũ?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập59
  • Máy chủ tìm kiếm14
  • Khách viếng thăm45
  • Hôm nay14,677
  • Tháng hiện tại158,628
  • Tổng lượt truy cập2,300,924
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây