Từ đầu vụ đông xuân đến nay, thời tiết không mấy thuận lợi, một số diện tích lúa ở nhiều địa phương trong tỉnh Quảng Trị bị ảnh hưởng do rét, ốc bươu vàng và chuột gây hại. Hiện các trà lúa đông xuân đang bắt đầu bước vào giai đoạn đẻ nhánh. Tuy nhiên, điều kiện thời tiết như hiện nay rất thuận lợi cho các loại sâu bệnh phát sinh, gây hại. Để bảo đảm cho cây lúa phát triển, ngành Nông nghiệp, các địa phương đang tích cực, tập trung chỉ đạo nông dân chủ động theo dõi, phát hiện và phòng trừ kịp thời các đối tượng sinh vật hại.
Hướng dẫn nông dân nhận biết và cách phòng trừ sâu bệnh hại lúa đông xuân |
Vụ đông xuân năm nay, gia đình ông Nguyễn Văn Huỳnh ở HTX Lập Thạch (phường Đông Lễ , TP. Đông Hà) gieo cấy gần 10 sào lúa, chủ yếu là các giống năng suất, chất lượng cao như: LDA1, Sơn Lâm 1. Để toàn bộ diện tích lúa của gia đình phát triển tốt, hạn chế sâu bệnh gây hại, gia đình ông thường xuyên thăm đồng, kiểm tra, chăm sóc, bón phân, làm cỏ. Khi lúa đang trong giai đoạn đầu vụ bị ốc bươu vàng phá hại, gia đình ông tích cực tỉa dặm và mua thuốc về phun phòng trừ, không để lây lan ra diện rộng.
Vụ đông xuân năm nay, HTX Lập Thạch đưa vào gieo cấy 81 ha với các giống lúa chủ lực là HC95, LDA1, Thiên Ưu 8, Sơn Lâm 1. Ông Nguyễn Văn Tuệ, Giám đốc HTX cho biết, đợt rét và ốc bươu vàng đầu vụ đã làm một số diện tích lúa của HTX bị ảnh hưởng. Trước tình hình đó, HTX đã cùng các xã viên ra đồng khảo sát, nơi nào cây lúa bị chết do rét, bị ốc bươu vàng cắn phá thì tỉa dặm cho kịp lịch thời vụ. Tranh thủ thời tiết nắng ấm, HTX đã cùng với cán bộ nông nghiệp hướng dẫn nông dân tùy theo mức độ ảnh hưởng mà bón phân bổ sung để thúc cây lúa với tỷ lệ 2 - 5 kg NPK/ sào. Tại HTX Lại An (xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh) vụ đông xuân năm nay gieo cấy 87 ha lúa, sử dụng các giống lúa có chất lượng cao như Thiên ưu 8, Bắc Thơm 7… tiến hành gieo cấy từ ngày 10/1 và kết thúc ngày 18/1. Ông Nguyễn Văn Đắc, Giám đốc HTX Lại An cho biết, thời gian vừa gieo cấy xong, gặp mưa khá nhiều, xuất hiện rét đậm, rét hại nên một số diện tích lúa của HTX bị ảnh hưởng, nhiều diện tích bị ngừng sinh trưởng. Không chỉ rét làm cây lúa chậm lớn mà tình trạng chuột, ốc bươu vàng tấn công sau khi xuống giống cũng ảnh hưởng nghiêm trọng tới cây lúa. Để diệt chuột, ngay từ khâu làm đất, HTX đã chỉ đạo xã viên sử dụng các loại thuốc diệt chuột hóa học và sinh học trộn với lúa đặt ở các xứ đồng cao, gần bờ đê, khu dân cư nơi có nhiều chuột trú ngụ. Đối với ốc bươu vàng, thường xuất hiện sau khi gieo sạ xong một thời gian với mật độ xuất hiện từ 3 - 5 con/ m2 , vì thế HTX đã tiến hành hướng dẫn người dân phun thuốc diệt ốc sau khi đã trổ nước vào ruộng.
Bà Võ Thị Tuyết Trinh, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) huyện Gio Linh cho biết: “Trong vụ đông xuân, thời điểm đầu vụ hay xuất hiện chuột hại, ốc bươu vàng, bệnh tuyến trùng; thời điểm tháng 3 trở đi khi thời tiết ấm lên hay xuất hiện bệnh đạo ôn, sâu cuốn lá, bọ trĩ; còn thời điểm cuối vụ hay xuất hiện sâu đục thân, sâu cuốn lá, rầy nâu, rầy lưng trắng... Do vậy, để chủ động phòng, trừ các loại sâu bệnh hại lúa đông xuân, ngay từ đầu vụ sản xuất, Trạm TT&BVTV cùng các ngành chuyên môn của huyện tập trung hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và phòng, trừ sâu bệnh hại cây trồng đến nông dân, Trạm cử cán bộ thường xuyên thăm đồng theo dõi sát diễn biến sâu, bệnh hại, khuyến cáo nông dân có biện pháp phòng, trừ kịp thời. Cụ thể, qua theo dõi đã phát hiện một số vùng đã nhiễm bệnh đạo ôn lá trên giống VN10 như ở An Mỹ (Gio Mỹ) và nhiễm rãi rác ở các vùng khác. Rầy lưng trắng phát sinh gây hại trên đồng ruộng với mật độ 20 - 30 con/ m2 , các lứa rầy gối nhau từ tuổi 1 đến trưởng thành. Sâu cuốn lá nhỏ rải rác tuổi 3 - 4. Các đối tượng như chuột, ốc bươu vàng, rệp mềm tiếp tục gây hại, các đối tượng như tuyến trùng rễ gây hại trên chân ruộng khô nước, bệnh lúa von gây hại trên giống IR35366, VN10, bệnh thối thân vi khuẩn gây hại rải rác”.
Vụ đông xuân năm nay, huyện Hải Lăng là địa phương gặp khó khăn nhất do mưa lũ cuối năm 2017 làm đồng ruộng bị ngập úng. Sau khi hoàn thành việc gieo cấy, thời tiết diễn biến bất thường không có lợi cho sinh trưởng của cây lúa. Rét đậm, rét hại kéo dài, trời âm u, số giờ nắng ít nên ảnh hưởng rất lớn đến khả năng quang hợp, chuyển đổi chất dinh dưỡng của cây lúa, lượng phân bón trong ruộng từ đầu vụ cây lúa chưa hấp thụ được nhiều cộng với việc làm cỏ sục bùn không được thường xuyên dẫn đến đất ruộng bị yếm khí, bị chua làm cây lúa bị nghẹt rễ, bó rễ nên cây lúa phát triển kém. Ông Dương Văn Tuấn, Trạm trưởng Trạm TT&BVTV huyện Hải Lăng cho biết: “Vụ đông xuân năm nay, huyện Hải Lăng gieo cấy hơn 6.800 ha lúa. Các giống lúa được nông dân đưa vào gieo cấy trong vụ này chủ yếu là các giống năng suất, chất lượng cao như Thiên ưu 8, HT1, LDA1, PC6, RVT... Đợt rét đậm, rét hại vừa qua đã làm nhiều trà lúa gieo cấy trong toàn huyện bị chậm phát triển. Vì vậy, để cây lúa nhanh chóng phục hồi, Trạm TT&BVTV tăng cường cán bộ về cơ sở hướng dẫn nông dân các biện pháp chăm sóc. Với những diện tích lúa sinh trưởng chậm, khả năng phục hồi kém, cần dùng phân lân để bón, kết hợp với phun phân qua lá, kích thích ra rễ nhằm tăng cường phát triển bộ rễ giúp cho cây lúa phục hồi nhanh hơn; kết hợp làm cỏ sục bùn để vùi lấp phân, giải phóng các khí độc, tiêu diệt cỏ dại, tăng cường oxy trong đất, giúp cho lúa đẻ nhánh sớm, đẻ nhánh tập trung. Đồng thời với việc chăm sóc, cần thường xuyên thăm đồng, theo dõi sát sự sinh trưởng, phát triển của lúa và các đối tượng dịch hại để có biện pháp xử lý kịp thời, có hiệu quả, nhất là các đối tượng gây hại nguy hiểm.
Vụ đông xuân năm nay, toàn tỉnh xuống giống 25.472 ha, hiện cây lúa đang ở giai đoạn 2, 3 lá - đẻ nhánh. Tuy nhiên, theo kết quả điều tra, thăm đồng của Chi cục TT&BVTV tỉnh, hiện nay trên đồng ruộng đã bắt đầu xuất hiện một số đối tượng sinh vật hại lúa, trong đó đáng lưu ý là ốc bươu vàng gây hại 246 ha, trong đó hại nặng 15 ha, mật độ phổ biến 3 - 5 con/m2 , nơi cao 20 - 30 con/ m2 ; chuột gây hại 125 ha, tỷ lệ hại phổ biến 2 - 3%, nơi cao 10 - 15%. Đặc biệt, bệnh đạo ôn đã xuất hiện rải rác với tổng diện tích 7,5 ha, trong đó nhiễm nặng 3 ha, tỷ lệ bệnh phổ biến 3 - 5%, cao 40%. Ngoài ra còn có các đối tượng gây hại rải rác như sâu cuốn lá nhỏ, rệp mềm...
Theo kinh nghiệm của nông dân, thời điểm sau khi cây lúa đã đạt trên dưới 45 ngày tuổi (sắp làm đòng) là giai đoạn cao điểm cần chăm sóc nhưng thời điểm này một số loại sâu bệnh cũng có điều kiện phát sinh, phát triển. Vì thế, ngành Nông nghiệp và các địa phương đã cử cán bộ bám đồng, cùng nông dân thường xuyên thăm ruộng, phát hiện và có hướng dẫn kịp thời các biện pháp phòng trừ các đối tượng sinh vật gây hại. Ngành Nông nghiệp khuyến cáo người dân quan tâm đến các đối tượng như bệnh đạo ôn lá trên các trà lúa gieo sạ sớm, theo dõi sát các đợt rầy di trú. Hạn chế phun thuốc trừ sâu ở giai đoạn cây lúa dưới 40 ngày tuổi vì chưa đến ngưỡng để phòng trừ…
Nói về chăm sóc lúa giai đoạn này ông Trần Minh Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV tỉnh phân tích: Thời gian tới, thời tiết có khả năng nắng ấm xen kẽ những ngày mưa, se lạnh về đêm, sáng sớm có sương mù. Đây là điều kiện thuận lợi cho cây lúa sinh trưởng đồng thời cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng dịch hại phát sinh, gây hại. Cụ thể, rầy các loại, chuột, ốc bươu vàng, rệp mềm… sẽ tiếp tục gây hại; bệnh đạo ôn có khả năng phát triển mạnh, nhất là những vùng lúa quá tốt, bón phân không cân đối, bón thừa đạm và trên các giống nhiễm như VN10, IR38, HC95, Xi23; sâu cuốn lá, sâu đục thân, bệnh lùn sọc đen... có khả năng phát sinh gây hại cây lúa giai đoạn đẻ nhánh - đứng cái. Vì vậy nông dân cần tranh thủ thời tiết tốt tiến hành tỉa dặm, bón phân thúc cho cây lúa đúng thời kỳ, bón phân cân đối để cây lúa phát triển tốt. Duy trì việc diệt chuột, diệt ốc bươu vàng bằng các biện pháp thủ công, dùng thuốc hóa học, sinh học… Đối với bệnh đạo ôn trên diện tích trà sớm, giống nhiễm, ruộng bón phân không cân đối, gieo dày... khi phát hiện bệnh cần ngừng bón tất cả các loại phân, không phun các loại phân bón lá; sử dụng các loại thuốc đặc hiệu như: Beam 75 WP, Flash 75 WP, City USA 650WP, Filia 525 SE,... theo liều lượng khuyến cáo khi trên ruộng có tỷ lệ bệnh 5% trở lên; những ruộng bị nặng phải phun tiếp lần 2 sau lần một 5 - 7 ngày; sau khi phun thuốc, bệnh ngừng phát triển mới tiến hành bón phân. Đồng thời thường xuyên thăm đồng, phát hiện rầy sớm để có biện pháp xử lý kịp thời, chú ý rầy lưng trắng có khả năng truyền bệnh lùn sọc đen vì vậy cần theo dõi kết quả phân tích mẫu rầy để có biện pháp phòng trừ kịp thời. Khi phát hiện rầy có mật độ cao, có nguy cơ truyền bệnh lùn sọc đen nên phun thuốc để trừ rầy. Trước khi phun thuốc trừ rầy cần cho nước vào ruộng để tăng hiệu quả trừ rầy, khi phun cần chú ý phun sát vào gốc lúa. “Song song với việc tăng cường cán bộ xuống cơ sở hướng dẫn nông dân điều tra, phát hiện và tổ chức thực hiện phòng, trừ kịp thời các các đối tượng sâu bệnh, chi cục còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nông dân biết và tự kiểm tra, phát hiện, kịp thời phòng trừ. Đồng thời, thực hiện tốt công tác dự tính, dự báo các đối tượng sâu bệnh trên cây trồng; tập trung điều tra bổ sung sâu bệnh hại lúa; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc kinh doanh và sử dụng thuốc BVTV trên địa bàn, không để tình trạng thuốc giả, thuốc kém phẩm chất, thuốc hết hạn sử dụng… bày bán ảnh hướng đến sản xuất và lợi ích của nông dân”, ông Tuấn cho biết thêm.