Triển khai các biện pháp chống rét cho cây trồng, vật nuôi

Thứ năm - 08/02/2018 22:06 87 0
Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, những ngày qua, thời tiết trên địa bàn tỉnh Quảng Trị liên tục có những đợt rét đậm, rét hại. Nhiệt độ xuống thấp, nhất là vào ban đêm và sáng sớm làm ảnh hưởng đến sức khỏe con người cũng như đối với hoạt động trồng trọt, chăn nuôi. Nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do rét đậm, rét hại gây ra, hiện nay, ngành nông nghiệp cùng với các cấp chính quyền địa phương đang tích cực hướng dẫn người dân triển khai nhiều biện pháp phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi nhằm tránh những thiệt hại không đáng có do chủ quan, lơ là…
Triển khai các biện pháp chống rét cho cây trồng, vật nuôi

Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, những ngày qua, thời tiết trên địa bàn tỉnh Quảng Trị liên tục có những đợt rét đậm, rét hại. Nhiệt độ xuống thấp, nhất là vào ban đêm và sáng sớm làm ảnh hưởng đến sức khỏe con người cũng như đối với hoạt động trồng trọt, chăn nuôi. Nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do rét đậm, rét hại gây ra, hiện nay, ngành nông nghiệp cùng với các cấp chính quyền địa phương đang tích cực hướng dẫn người dân triển khai nhiều biện pháp phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi nhằm tránh những thiệt hại không đáng có do chủ quan, lơ là…

Cho trâu bò ăn đầy đủ thức ăn để tăng sức đề kháng trong mùa rét

Chúng tôi có dịp đến thăm gia đình ông Lê Cận ở tại Khu kinh tế mới (thôn Nhan Biều 1, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong), ông Cận cho biết: “Ngay từ khi vào đợt rét, nhiệt độ giảm, gia đình tôi đã che chắn tất cả các cửa sổ, cửa ra vào khu vực chăn nuôi; chủ động dự trữ đủ thức ăn thô cho đàn bò 9 con, mua dự trữ đủ thức ăn cho đàn lợn và đàn gà bảo đảm khẩu phần dinh dưỡng hàng ngày, đồng thời bổ sung một số loại vitamin, khoáng chất cần thiết. Từ đầu mùa đông, gia đình tôi cũng đã chuẩn bị củi và trấu để sưởi cho đàn lợn và bò khi trời quá rét. Đàn lợn thịt gần 120 con của gia đình tôi hiện nay đều khỏe mạnh, không có con nào bị ốm do đói, rét. Riêng với chuồng nuôi lợn nái và úm lợn con, tôi sử dụng bao tải lót sàn và đèn sưởi để giữ ấm cho lợn”.

Tại cánh đồng thôn Đồng Bào, xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong, dù trời mưa lạnh song người dân vẫn tích cực ra đồng đắp đất, be bờ giữ nước. Ngâm chân dưới bùn buốt lạnh, ông Nguyễn Mĩnh Sỹ nói với chúng tôi: “Gia đình tôi có hơn 10 sào ruộng lúa đã xuống giống được gần 1 tháng. Mấy ngày trước tôi định đem phân ra bón thúc lần 1 cho cây lúa nhưng thấy cán bộ nông nghiệp xã thông báo về ảnh hưởng của rét đậm, rét hại nên tôi đã dừng lại chờ nhiệt độ ấm lên mới bón”.

Ông Hoàng Quang Dưỡng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Triệu Phong cho biết, để hạn chế thấp nhất thiệt hại do rét gây ra đối với cây trồng, vật nuôi, phòng đã yêu cầu các xã, thị trấn tăng cường chỉ đạo nhân dân triển khai các biện pháp như: Đối với những diện tích lúa đã được từ 2 - 3 lá phải thường xuyên giữ mức nước trong ruộng từ 3 - 5 cm; với những chân ruộng có thể chủ động được nguồn nước tưới, có thể rút hết nước vào ban ngày nhưng ban đêm phải cho nước vào ruộng để giữ ấm cho cây lúa; riêng với những trà lúa mới gieo, cần chủ động nạo vét kênh mương, tập trung rút hết nước trong ruộng, hạn chế hạt giống nếu bị ngập 2 - 3 ngày sẽ bị thối... Ngoài ra, phòng cũng chỉ đạo nông dân tăng cường bón tro bếp, tuyệt đối không sử dụng phân đạm bón cho cây lúa khi thời tiết đang mưa, rét, nhiệt độ giảm xuống dưới 20 độ C.

Bên cạnh việc chỉ đạo nhân dân tích cực chống rét để bảo vệ cây trồng, huyện Triệu Phong cũng đã khuyến cáo các hộ chăn nuôi thường xuyên kiểm tra chuồng trại, củng cố nền chuồng, mái che, tường bao quanh. Huyện yêu cầu các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm phải vệ sinh sạch sẽ chuồng trại, bảo đảm giữ đủ độ ấm, không bị mưa hắt, gió lùa làm ẩm ướt. Nếu nhiệt độ hạ xuống quá thấp, cần giữ ấm cho trâu, bò bằng cách dùng các loại chăn, bao tải, nilon làm áo bao thân. Dùng trấu, củi đốt lửa để sưởi ấm cho trâu, bò trong những ngày rét đậm, rét hại, đặc biệt đối với những con già yếu hay bê, nghé… Đồng thời có kế hoạch dự trữ thức ăn, rơm cỏ khô, các phụ phẩm trong nông nghiệp, bổ sung thêm thức ăn tinh để cung cấp đủ dinh dưỡng, bổ sung muối ăn hòa vào nước cho trâu, bò uống để tăng sức đề kháng và chống lạnh. Đặc biệt thường xuyên vệ sinh, tiêu độc khử trùng, thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm theo quy định.

Đến huyện miền núi Đakrông trong những ngày giá rét đầu năm 2018, chúng tôi chứng kiến nhiều hộ chăn nuôi rất chủ động trong việc phòng chống rét cho vật nuôi. Điển hình như ở xã Hướng Hiệp, các hộ dân đã dùng bạt, ván, lá cây...che chắn chuồng trại rất cẩn thận để làm nơi trú ngụ và tránh rét cho vật nuôi. Chuẩn bị đầy đủ thức ăn, nước uống cho đàn gia súc, gia cầm phòng khi tiết trời giá rét kéo dài. Trao đổi với chúng tôi, anh Tạ Văn Quyên, chuyên viên Phòng NN&PTNT huyện Đakrông cho biết, tổng đàn trâu, bò trên địa bàn huyện gần 13.600 con, đàn lợn 8.650 con, đàn dê 7.270 con, đàn gia cầm 78.200 con, đây là nguồn tài sản không nhỏ đối với người dân. Vì vậy, để hạn chế thấp nhất thiệt hại do rét đậm, rét hại gây ra, ngay từ đầu mùa đông, Phòng NN&PTNT huyện đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn như Trạm Khuyến nông, Trạm Chăn nuôi và Thú y, chính quyền các xã, thị trấn tăng cường công tác tiêm phòng, bổ sung vắc xin cho đàn vật nuôi theo quy định. Tuyên truyền, vận động người dân che chắn chuồng trại đảm bảo kín, khô ráo, vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng môi trường theo quy định.

UBND huyện Đakrông cũng đã chỉ đạo lực lượng cán bộ khuyến nông, thú y về tận thôn bản hướng dẫn người dân phương pháp phòng chống đói, rét và dịch bệnh cho đàn vật nuôi như: Tận dụng các phế phụ phẩm nông nghiệp như thân cây chuối, ngô, dây khoai lang, rơm rạ... để làm thức ăn dự trữ. Những ngày nhiệt độ xuống thấp cần cho trâu, bò ăn bổ sung thêm thức ăn tinh như cám, bột ngô… uống thêm nước ấm có pha với muối, nước gừng để tăng cường sức đề kháng, đồng thời phải có chế độ chăm sóc đặc biệt với những con gầy yếu, bê, nghé. Huyện cũng đã chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền và hướng dẫn người chăn nuôi không được thả rông trâu, bò qua đêm trong rừng vào thời điểm nhiệt độ xuống dưới 12 độ C; khi tiết trời rét đậm, rét hại, mưa phùn, không được cho trâu, bò cày kéo mà phải nhốt tại chuồng để chăm sóc, nuôi dưỡng...

Cùng với trồng trọt và chăn nuôi, thời điểm này các hộ nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh cũng đang áp dụng nhiều biện pháp cùng lúc nhằm giảm thiểu thiệt hại do thời tiết gây ra. Anh Nguyễn Văn Hùng, chủ 3 ao nuôi tôm rộng 1,5 ha ở tại phường Đông Lương, TP. Đông Hà cho biết, mặc dù trời rét đậm, rét hại, nhưng nhờ thường xuyên kiểm tra tình hình sức khỏe và khả năng hấp thụ thức ăn của tôm để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp; chủ động theo dõi các yếu tố môi trường, tình hình sinh trưởng của tôm nuôi để có biện pháp xử lý kịp thời khi có dấu hiệu khác lạ; luôn giữ mực nước tối đa để ổn định nhiệt độ trong ao nuôi. Nhờ vậy mà đàn tôm của anh Hùng luôn khỏe mạnh, phát triển đồng đều.

Tại xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, các hộ nuôi cá thương phẩm và sản xuất giống cá truyền thống nước ngọt cũng đã chủ động các biện pháp chống rét cho đàn cá. Ông Trần Lương Cương, một người nuôi cá lâu năm cho biết: “Thời tiết càng ngày càng diễn biến thất thường. Mấy hôm nay không khí lạnh tăng cường, nhiệt độ giảm xuống đột ngột tôi phải nhanh chóng làm bè thả bèo để tránh gió và tranh thủ cho cá ăn khi thời tiết thích hợp để chống rét cho cá. Với 2 ha mặt nước nuôi cá thương phẩm và hàng vạn con cá giống nếu không chủ động phòng rét thì thiệt hại đầu tiên chính là người nuôi”. Ngoài việc cho cá ăn đầy đủ, khẩu phần ăn phù hợp ông Cương đặc biệt chú ý bổ sung các thức ăn giàu protein, các vitamin tổng hợp, chất khoáng để nâng cao sức đề kháng chống rét cho cá, khi nhiệt độ nước ao nuôi ≤ 15 độ C thì ngừng cho ăn; “Nếu nhiệt độ tiếp tục xuống thấp nữa thì tôi sẽ làm khung và che phủ bề mặt ao nuôi cá giống bằng nilon sáng màu để chắn gió, giữ nhiệt cho ao nuôi”, ông Cương nói.

Theo ông Phạm Văn Hòa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, những đợt rét đậm bất thường kéo dài xảy ra nhiều ngày, một số loài thủy sản như cá rô phi, cá chim trắng, cá trê, tôm…là những đối tượng chịu rét kém. Vì vậy, nhằm hạn chế tối đa rủi ro bởi thời tiết, các hộ dân cần tránh chủ quan trong việc áp dụng các biện pháp chống rét. Cụ thể, trong thời gian rét đậm tuyệt đối không kéo lưới kiểm tra thủy sản nuôi, không thu hoạch theo cách “đánh tỉa, thả bù” để tránh bị xây xát cho thủy sản nuôi nhằm hạn chế lây nhiễm các bệnh do nấm, ký sinh trùng… Đối với đàn cá giống cần tích cực chăm sóc để chuẩn bị tốt cho vụ nuôi trồng đầu năm đạt năng suất cao. “Chi cục cũng đã phân công cán bộ chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện kế hoạch, phương án phòng chống rét; phổ biến, hướng dẫn trên các phương tiện thông tin về các biện pháp chống rét cho cơ sở sản xuất giống thủy sản, lưu giống, nuôi thương phẩm để tránh thiệt hại, đảm bảo cung cấp đủ thực phẩm cho thị trường”, ông Nam cho biết.

Với sự vào cuộc tích cực, chủ động triển khai nhiều biện pháp chống rét để bảo vệ cho cây trồng, vật nuôi tại các địa phương trong thời điểm hiện nay là rất cần thiết. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, rải rác ở một số nơi, đặc biệt là tại các khu vực miền núi vẫn còn đang lơ là với công tác phòng chống rét cho trâu, bò. Tình trạng thả rông trâu, bò ở rừng trong những ngày giá rét vẫn chưa được hạn chế triệt để... Trong thời gian tới, thời tiết có thể còn diễn biến phức tạp. Chính vì vậy, nông dân trên địa bàn tỉnh cần tiếp tục chủ động, tích cực hơn nữa trong công tác phòng chống rét bảo vệ cây trồng, vật nuôi nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại không đáng có.

baoquangtri.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Liên kết Website
Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
Chính phủ Nước CHXHCNVN
https://quochoi.vn/
Báo Nhân dân
Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật
Cổng Thông tin điện tử Tỉnh ủy Quảng Trị
Báo Quảng Trị
Đài PT-TH tỉnh
Trang Thông tin điện tử UBND tỉnh
Trang tin điện tử Bộ Nông nghiệp&PTNT
Hội Nông dân Việt Nam
Báo điện tử Dân việt
Sở Nông nghiệp &PTNT
Sở khoa học công nghệ tỉnh Quảng Trị
Sở lao động TB&XH tỉnh Quảng Trị
Cổng thông tin điện tử pháp điển
Thăm dò ý kiến

Bạn nghĩ sao về sự thay đổi giao diện mới của trang web Hội Nông dân Quảng Trị so với phiên bản cũ?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập61
  • Máy chủ tìm kiếm19
  • Khách viếng thăm42
  • Hôm nay14,677
  • Tháng hiện tại158,956
  • Tổng lượt truy cập2,301,252
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây