Tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH) những năm gần đây ngày càng thể hiện rất rõ, so với quy luật tự nhiên hàng chục năm về trước, càng về sau khí hậu biến đổi càng lớn, vấn đề BĐKH và môi trường là thách thức lớn của toàn cầu. BĐKH đã tác động trực tiếp đến các hệ sinh thái và đời sống hàng ngày của con người và môi trường trên toàn thế giới, trong đó Việt Nam là một trong những nước bị ảnh hưởng trực tiếp rất nặng nề của BĐKH. Vì vậy nỗ lực ứng phó và thích ứng với BĐKH là cấp thiết.
Chuyển đổi đất trồng lúa thiếu nước sang trồng màu vụ ĐX tại Quảng Trị. Ảnh: Nguồn Internet
BĐKH đã để lại hậu quả nghiêm trọng: Các hệ sinh thái bị phá hủy, Lượng các bon, dioxite ngày càng tăng cao, năng lượng, nhiên liệu khan hiếm và nhiều vấn đề khác đều bị ảnh hưởng. Việt Nam trong 10 năm qua, trung bình mỗi năm, thiên tai làm chết và mất tích trên 300 người, thiệt hại về kinh tế từ 1 - 1,5% GDP. Theo dự báo, Việt Nam là một trong những nước chịu tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu như: nước biển dâng, nhiệt độ tăng, những loại hình thiên tai diễn biến bất thường, cực đoan khác.
Theo đánh giá của Tổ chức Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), Việt Nam là một trong 5 nước đứng đầu thế giới dễ bị tổn thương nhất và tổn thương trực tiếp do quá trình biến đổi khí hậu. Theo chỉ số về mức độ tổn thương do biến đổi khí hậu (CCVI), đánh giá mức độ tổn thương do tác động của biến đổi khí hậu trong 30 năm tới thông qua 42 yếu tố kinh tế, xã hội và môi trường tại 193 quốc gia, Việt Nam xếp hạng thứ 23 trong tổng số 193 quốc gia và là một trong 30 nước chịu “rủi ro rất cao”.
BĐKH làm ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất: trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, đánh bắt nuôi trồng thủy hải sản cho đến phát triển công nghiệp… Dự báo toàn thế giới sẽ có khoảng 1,8 tỷ người khó khăn về nước sạch và 600 triệu người bị suy dinh dưỡng và thiếu lương thực.
Việt Nam là một trong 5 nước bị ảnh hưởng nặng nề do BĐKH, các nhà khoa học nghiên cứu và đã dự báo: Nếu nước biển dâng lên 1m sẽ làm mất 12,2% diện tích đất là nơi cư trú của 23% dân số (khoảng 17 triệu người của Việt Nam), riêng ĐBSCL đến năm 2030 có 45% diện tích bị nhiễm mặn, nhiều diện tích bị ngập, thiệt hại ước khoảng 17 tỷ USD; khu vực ven biển miền Trung, trong đó có Quảng Trị sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất, đặc biệt sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống cư dân và kết quả sản xuất nông nghiệp.
Nhằm ứng phó và thích ứng với BĐKH, tạo điều kiện cho cuộc sống cư dân được ổn định, bình yên và đặc biệt sản xuất nông nghiệp có điều kiện phát triển ngày càng cao và bền vững, tạo điều kiện cho cuộc sống của người dân ngày càng đi lên; Đảng và Chính phủ Việt Nam đã đưa ra nhiều giải pháp. Chính phủ đã ban hành Chương trình mục tiêu Quốc gia ứng phó với BĐKH, tập trung thực hiện 7 nhóm nhiệm vụ: Đánh giá mức độ BĐKH; Xây dựng các kịch bản về BĐKH; Tăng cường năng lực tổ chức, thể chế, chính sách BĐKH; Nâng cao nhận thức và đào tạo nguồn nhân lực; Tăng cường năng lực hợp tác Quốc tế; Xây dựng bộ khung tiêu chí tích hợp các vấn đề BĐKH trong xây dựng; Thực hiện các đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và triển khai kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH.
Tại Quảng Trị, Lãnh đạo tỉnh đã chi đạo các cấp, ngành liên quan nhằm đưa ra các giải pháp ứng phó và khắc phục. Riêng ngành Nông nghiệp Quảng Trị cũng đã có nhiều giải pháp nhằm ứng phó và thích ứng với BĐKH, để không những chỉ thực hiện thành công mà còn phải đạt kết quả cao nhất việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp và PTNT, góp phần cùng cả tỉnh phát triển kinh tế giai đoạn 2016-2020 và nhiều năm về sau:
Trước hết tập trung tuyên truyền cho các tổ chức và người dân biết một cách sâu sắc về tình hình BĐKH đang xảy ra trên toàn cầu, đặc biệt đang xảy ra tại tỉnh Quảng Trị, để mọi người có sự quan tâm, chung sức thực hiện các giải pháp ứng phó và thích ứng với BĐKH;
Phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với các Sở, Ban, Ngành và địa phương trong việc xây dựng kế hoạch, tổ chức, triển khai thực hiện có hiệu quả trong nội dung của từng giải pháp,
Chặn đứng nạn phá rừng, tiếp tục và đẩy mạnh hơn nữa việc trồng rừng, tăng độ che phủ, để cải thiện môi trường sinh thái, chống gió bảo, ngăn chặn sạt lỡ, lũ ống, lũ quét, hạn chế dòng chảy,…
Tăng cường việc duy tu bão dưỡng đồng thời xây dựng mới cơ sở hạ tầng một cách đồng bộ các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền được an toàn lúc bão gió lớn nhằm ứng phó với BĐKH,
Tăng cường và đẩy mạnh hơn nữa việc duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp, đồng thời xây dựng mới các công trình thủy lợi đảm bảo việc tưới, tiêu phục vụ sản xuất và phục vụ cuộc sống sinh hoạt của người dân;
Tăng cường việc bảo trì và xây dựng mới các cơ sở hạ tầng như: kè chống xói lỡ, đập ngăn mặn,… nhằm ứng phó với BĐKH, tạo điều kiện cho sản xuất nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản…) phát triển ngày càng đạt kết quả cao hơn và bền vững hơn;
Ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất nông nghiệp, sản xuất theo hướng hữu cơ, tạo ra sản phẩm sạch, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng; hạn chế sử dụng và dần dần hướng đến loại bỏ các loại phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, vì bản thân nó làm ảnh hưởng lớn đến môi trường và hệ sinh thái, điều đó đã góp phần làm tăng nhanh chóng BĐKH;
Thực hiện sản xuất theo quy trình tiến bộ, hiện đại: Xây dựng chuồng trại chăn nuôi phù hợp. Trong trồng trọt chọn thời vụ phù hợp nhất với thực tế thời tiết khí hậu của địa phương, nhằm luồn lách và tránh những ngày thời tiết xấu; canh tác theo hướng tối ưu hóa từ khâu làm đất, gieo trồng, bón phân, chăm sóc, tưới tiết kiệm, thu hoạch, bảo quản… theo hướng thông minh;
Chọn giống có thời gian sinh trưởng ngắn để quá trình sinh trưởng, phát triển đảm bảo nằm trong khung thời vụ có thời tiết khí hậu an toàn; giống có khả năng chịu với điều kiện tự nhiên bất thuận như: hạn hán, đất nhiễm mặn, bị úng… kháng sâu bệnh, cho năng suất cao và chất lượng tốt;
Chuyển đổi các cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả sang mô hình các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên: đất đai, khí hậu của địa phương và cho hiệu quả cao hơn là giải pháp để thích ứng với BĐKH;
Tận dụng các loại phụ phẩm nông sản để chế biến phân bón, thức ăn chăn nuôi… vừa phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ tạo ra sản phẩm sạch, vừa tránh sự phân hủy phụ phẩm tự do tạo ra khí CO2, CH4…góp phần tăng nhanh BĐKH;
Tóm lại, tại Việt Nam trong đó có Quảng trị thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai. BĐKH làm cho thiên tai càng trầm trọng hơn, nhiều đối tượng bị tổn thương bởi thách thức này. Quảng Trị là địa phương đang phát triển, quá trình đô thị hóa tăng nhanh nên vấn đề BĐKH và môi trường đang được đặt ra cấp thiết. Chúng ta đã và sẽ có những chính sách huy động sự tham gia của toàn xã hội, của cộng đồng để ứng phó, thích ứng với BĐKH và bảo vệ môi trường. Nâng cao nhận thức và phát triển nguồn nhân lực, phát triển khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế và huy động nguồn tài chính có hiệu quả, đầu tư các dự án phát triển nông nghiệp thân thiện với môi trường. Chúng ta cam kết sẽ cùng cả nước và các nước trên thế giới đẩy mạnh ứng phó, thích ứng với BĐKH và bão vệ môi trường. Nếu thực hiện đầy đủ các giải pháp ứng phó và thích ứng với BĐKH sẽ góp phần tích cực cho thành công việc tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên quê hương Quảng Trị./.
Trần Thanh Hiền, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT