Dự án “Xây dựng mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm” trên địa bàn tỉnh Quảng Trị được triển khai từ tháng 9/2018 đối với chợ Đông Hà đã đem lại hiệu quả tích cực. Đây là mô hình chợ mới mang tính chất văn minh, hiện đại, không chỉ góp phần nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm tại chợ mà còn là cách để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Từ hiệu quả thiết thực mô hình chợ an toàn thực phẩm tại chợ Đông Hà cho thấy, cần nhân rộng mô hình này ở nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh để đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng.
Quầy hàng kinh doanh thực phẩm tươi sống tại chợ Đông Hà đang triển khai thí điểm mô hình chợ an toàn thực phẩm |
Chợ Đông Hà hiện có hơn 1.400 hộ kinh doanh cố định, trong đó có 644 hộ kinh doanh ngành hàng thực phẩm. Từ cuối năm 2018, được sự đầu tư của dự án, Ban quản lí chợ Đông Hà đã xây dựng các hạng mục vệ sinh tại các khu vực kinh doanh hàng tươi sống như: Làm 75 kệ bán hàng đạt tiêu chuẩn vệ sinh, chất liệu dễ làm sạch, kèm theo bảng tên hộ kinh doanh cho các hộ kinh doanh hàng thực phẩm; mở rộng lối đi giữa các dãy lô quầy, tạo điều kiện cho công việc dọn vệ sinh sạch sẽ... Đặc biệt, Ban quản lí chợ đã phối hợp với các ngành chức năng của thành phố Đông Hà tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức và ý thức trách nhiệm cho các hộ kinh doanh hàng thực phẩm tươi sống, nhất là lương tâm kinh doanh của các hộ tiểu thương. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền về vệ sinh an toàn thực phẩm đến với các hộ tiểu thương kinh doanh tại chợ. Cùng với đó, Ban quản lí chợ Đông Hà phối hợp với ngành Y tế thành phố, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Quảng Trị thường xuyên kiểm tra an toàn thực phẩm tại chợ; nhất là trong việc kiểm tra dùng các chất bảo quản không rõ nguồn gốc để bảo quản thịt, cá, Ban quản lí chợ xử lí rất nghiêm những trường hợp vi phạm. Trưởng Ban quản lí chợ Đông Hà Trương Đức Phụ cho biết: “Mặc dù mới triển khai trong thời gian ngắn nhưng dự án đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Các lô quầy kinh doanh thực phẩm tươi sống được đầu tư mới, không gian kinh doanh tại các lô quầy thực phẩm cũng thoáng đãng, sạch sẽ hơn. Nhờ được tập huấn và được tuyên truyền nên các kiến thức và nhận thức của tiểu thương về vệ sinh an toàn thực phẩm được chuyển biến đáng kể, nhất là ý thức giữ gìn vệ sinh tại nơi kinh doanh và lương tâm nghề nghiệp của các tiểu thương được chuyển biến rõ rệt”.
Việc thực hiện mô hình chợ thí điểm đảm bảo an toàn thực phẩm đã làm cho chất lượng các mặt hàng thực phẩm đảm bảo và giúp người tiêu dùng cảm thấy an tâm hơn khi sử dụng; các hoạt động kiểm tra, giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm cũng được các ngành chức năng thực hiện nghiêm ngặt hơn, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm chính đáng có đủ cơ sở pháp lí để chứng minh nguồn gốc thực phẩm, giúp người tiêu dùng yên tâm hơn khi sử dụng sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm được bán tại chợ Đông Hà.
Mặc dù mới đạt kết quả ban đầu và vẫn còn nhiều khó khăn phải giải quyết nhưng mô hình chợ an toàn thực phẩm tại chợ Đông Hà cần sớm được nhân ra diện rộng tại các chợ trên phạm vi toàn tỉnh. Bởi thực tế tại nhiều chợ ở khắp nơi trong tỉnh, khu vực bán thực phẩm tươi sống mất vệ sinh, thực phẩm không được kiểm tra thường xuyên. Chợ Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh hiện có hơn 600 quầy hàng buôn bán tại chợ thì có hơn 50% trong số đó kinh doanh ngành hàng thực phẩm cũng đang đứng trước nhu cầu về đảm bảo an toàn thực phẩm. Chợ đã được xây dựng khá lâu và ít được tu sửa nên đến nay nhiều khu vực bán hàng không được đảm bảo vệ sinh. Phó Ban quản lí chợ Hồ Xá Phan Thị Nhung cho biết: “Hiện nay nhu cầu an toàn thực phẩm được đặt ra cấp thiết, các khu vực kinh doanh trong chợ đều cần được đầu tư cải tạo lại và đầu tư các kệ bán hợp vệ sinh. Chợ Hồ Xá cũng rất cần nguồn lực đầu tư xây dựng chợ an toàn thực phẩm”.
Nếu được đầu tư đồng bộ, các chợ không chỉ có được sự khang trang tại các khu vực bán hàng thực phẩm; có đầy đủ các trang thiết bị phục vụ quá trình kinh doanh hàng thực phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm mà Ban quản lí các chợ và các hộ kinh doanh thực phẩm được tham gia các lớp tập huấn về công tác quản lí chợ và các quy định về an toàn thực phẩm; tập huấn kiến thức tổ chức kết nối chuỗi sản xuất, cung ứng…Theo đó, chợ bảo đảm an toàn thực phẩm sẽ có vai trò quan trọng giúp công tác quản lí an toàn thực phẩm tại chợ tốt hơn; nâng cao nhận thức của nhà quản lí, hộ kinh doanh cũng như người tiêu dùng về vấn đề thực phẩm an toàn đối với cuộc sống; tạo điều kiện phát huy hơn nữa vai trò của hệ thống chợ đối với khâu lưu thông hàng hóa thực phẩm, giúp cho cuộc sống của người dân được đảm bảo và nâng cao hơn.
baoquangtri.vn