10 năm triển khai thực hiện, Cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã có những chuyển biến tích cực, nhận thức của người tiêu dùng về hàng Việt ngày càng nâng cao. Có được kết quả đó là nhờ sự chung sức, đồng lòng, nỗ lực của các ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Các hội chợ hàng Việt được đông đảo người tiêu dùng đến tham quan, mua sắm |
Để hàng Việt Nam được đông đảo người tiêu dùng trong tỉnh Quảng Trị đón nhận, Ban chỉ đạo CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cấp tỉnh đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn tổ chức nhiều hoạt động nhằm tích cực hưởng ứng CVĐ. Với mục đích nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm nông nghiệp, vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, nhất là sản phẩm nông nghiệp do chính người Việt Nam làm ra, Sở Nông nghiệp và PTNT cùng các địa phương đã chủ động kết nối với các công ty, doanh nghiệp triển khai các mô hình liên kết theo hướng sản xuất hữu cơ, tăng cường ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học kĩ thuật mới; sản xuất theo quy mô lớn, theo chuỗi giá trị, đặc biệt là sự phối hợp “4 nhà” trong hỗ trợ đầu vào và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Trong năm 2018, ngành Nông nghiệp tiếp tục chỉ đạo thực hiện mô hình hợp tác liên kết giữa sở với Công ty TNHH Sản xuất- Thương mại Đại Nam để xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, an toàn, bền vững với diện tích trên 300 ha. Đồng thời duy trì, củng cố và phát triển các liên kết, hợp tác đã kí kết như trồng mới trên 40 ha dứa tại các huyện Triệu Phong, Gio Linh, Vĩnh Linh, nâng tổng diện tích liên kết đạt trên 150 ha. Cùng với đó, sở đã kí biên bản ghi nhớ hợp tác với các đối tác mới như Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc để phát triển và bao tiêu sản phẩm chanh leo tại huyện Hướng Hóa; Tổ chức y tế Hà Lan về dự án trồng thanh long xuất khẩu… Năm 2018, toàn tỉnh đã có trên 7.000 ha sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn, trong đó có 864 ha lúa và 113 ha cây màu sản xuất theo mô hình nông nghiệp thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu, trên 500 ha sản xuất theo chuỗi giá trị có liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, trên 4.000m2 sản xuất rau củ quả trong nhà kính tiếp tục phát huy hiệu quả và mở rộng thêm 2.000m2 nhà kính để sản xuất theo công nghệ cao. Sự nỗ lực của ngành Nông nghiệp đã góp phần nâng cao chất lượng và giá trị các mặt hàng nông sản của tỉnh, giúp người dân tăng thu nhập, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Các nông sản, rau củ quả sản xuất trong tỉnh dần được người tiêu dùng lựa chọn, thay thế những sản phẩm nông sản không rõ nguồn gốc xuất xứ trước đây.
Để thực hiện CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” có hiệu quả, thời gian qua, Sở Công thương cũng đã chủ động triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa. Bằng nguồn kinh phí xúc tiến thương mại quốc gia, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại - Sở Công thương phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Hội chợ Công thương khu vực miền Trung- Tây Nguyên - Nhịp cầu xuyên Á - Quảng Trị 2018 với quy mô trên 500 gian hàng của trên 250 doanh nghiệp. Trong tháng 5/2018 tổ chức 2 phiên chợ hàng Việt về nông thôn, miền núi tại các xã Hướng Phùng, Tân Long (Hướng Hóa), bình quân mỗi phiên chợ thu hút 11 doanh nghiệp, HTX tham gia với 22 gian hàng, doanh thu khoảng 200 triệu đồng/phiên chợ. Cùng với xúc tiến thương mại, hoạt động khuyến công cũng được quan tâm thực hiện. Thông qua nguồn kinh phí khuyến công tỉnh, Sở Công thương tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ 25 đề án khuyến công, trong đó hỗ trợ 4 đề án xây dựng mô hình trình diễn kĩ thuật sản xuất sản phẩm mới; 17 đề án ứng dụng tiến bộ KHKT, máy móc thiết bị vào sản xuất sản phẩm; 2 đề án đăng kí bảo hộ thương hiệu, nhãn hiệu, đóng gói sản phẩm… Ban chỉ đạo CVĐ các cấp đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn UBMT cơ sở triển khai thực hiện CVĐ qua các hoạt động thiết thực, hiệu quả. Các tổ chức thành viên của Mặt trận đã đẩy mạnh công tác kiểm tra liên ngành, kiểm tra chất lượng hàng hóa, giá cả, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm tại các chợ, đại lí kinh doanh trên địa bàn tỉnh. UBMT- Ban chỉ đạo CVĐ các huyện, thị xã, thành phố tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên, các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng CVĐ. Tùy theo điều kiện cụ thể của từng địa phương để tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động với nhiều hình thức thiết thực, phù hợp với đơn vị và địa bàn khu dân cư. Tiêu biểu như huyện Cam Lộ đã tuyên truyền, quảng bá và vận động người dân sử dụng các sản phẩm mang thương hiệu địa phương như tinh dầu lạc, tinh bột nghệ, gà Cùa, tiêu Cùa, cao lá vằng, cà gai leo, bún Cẩm Thạch… Cùng với công tác tuyên truyền, vận động, lãnh đạo các đơn vị đã thể hiện tính gương mẫu, thay đổi hành vi trong sinh hoạt và tiêu dùng hằng ngày theo hướng dùng, ưu tiên sử dụng các loại hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ có chất lượng do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất. Vận động các cơ quan, đơn vị và các tổ chức chính trị- xã hội sử dụng hàng hóa nội địa khi thực hiện mua sắm công. Các doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh khi triển khai thực hiện các dự án, công trình sử dụng các thiết bị, vật tư, nguyên vật liệu nội địa và dịch vụ có chất lượng tương đương với hàng ngoại nhập để sản xuất, kinh doanh.
Như vậy, có thể thấy rằng, CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã thực sự đi vào chiều sâu, tạo được sự quan tâm, hưởng ứng của người dân, doanh nghiệp, địa phương và có sức lan tỏa mạnh mẽ. Thông qua thực hiện CVĐ, hàng Việt Nam ngày càng được chú trọng hơn về chất lượng và mẫu mã, lợi ích người tiêu dùng được quan tâm, đảm bảo hơn. Người tiêu dùng trong tỉnh đã từng bước nhận thức rõ trách nhiệm, vai trò của mình trong thực hiện CVĐ, từ đó tích cực tham gia các chương trình mua sắm hàng hóa Việt Nam có chất lượng cao, góp phần xây dựng thương hiệu hàng hóa, sản phẩm Việt ngày một uy tín hơn. Phía các doanh nghiệp, CVĐ được triển khai đã góp phần giúp các doanh nghiệp nhận thấy tiềm năng của thị trường nội địa nói chung và thị trường nông thôn nói riêng. Đồng thời, thông qua các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn đã giúp doanh nghiệp có điều kiện quảng bá thương hiệu sản phẩm, đánh giá chất lượng sản phẩm do mình sản xuất. Gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm với đối tác, nghiên cứu, tìm hiểu nhu cầu tiêu dùng của người dân nông thôn để xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh, cung ứng sản phẩm đáp ứng đúng thị hiếu khách hàng. Triển khai thực hiện CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cũng giúp các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư mới dây chuyền sản xuất, chế biến để tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng, giảm giá thành, đa dạng hóa mẫu mã, đảm bảo cạnh tranh với hàng ngoại nhập, từng bước tạo dựng niềm tin của người tiêu dùng đối với hàng Việt.
baoquangtri.vn