Nông dân trồng dứa bị lỗ vì năng suất thấp

Thứ sáu - 06/07/2018 04:54 149 0
Cam kết bao tiêu sản phẩm đạt chuẩn đã được Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao thực hiện đối với nông dân các xã tham gia dự án trồng dứa trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Toàn bộ sản phẩm dứa đạt chuẩn loại 1 và loại 2 đã được công ty thu mua nhưng người trồng vẫn lao đao theo vụ dứa thử nghiệm đầu tiên này bởi vì thời tiết bất thuận, sản lượng đạt thấp, nông dân lỗ nặng.
Nông dân trồng dứa bị lỗ vì năng suất thấp

Cam kết bao tiêu sản phẩm đạt chuẩn đã được Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao thực hiện đối với nông dân các xã tham gia dự án trồng dứa trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Toàn bộ sản phẩm dứa đạt chuẩn loại 1 và loại 2 đã được công ty thu mua nhưng người trồng vẫn lao đao theo vụ dứa thử nghiệm đầu tiên này bởi vì thời tiết bất thuận, sản lượng đạt thấp, nông dân lỗ nặng.


Nông dân xã Cam Thủy, Cam Lộ thu hoạch dứa

Năm 2016, dự án trồng dứa mang tới cho nông dân ở một số vùng gò đồi và vùng cát trong tỉnh nhiều hy vọng bởi theo kế hoạch dự án xây dựng năng suất đạt khoảng 40 tấn/ha với giống dứa Queen. Nông dân nhiều vùng hồ hởi chuyển đổi cơ cấu cây trồng nông nghiệp, một số địa phương chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ trồng cây lâm nghiệp sang trồng dứa với mong muốn thành công ở cây trồng mới này để nâng cao giá trị sản xuất. Theo kế hoạch của dự án, giá trị sản xuất trồng 1 ha dứa đạt khoảng 320 triệu đồng trong 2 năm rưỡi. Sau 1 năm rưỡi triển khai trồng thử nghiệm, đến nay nông dân cơ bản thu hoạch xong vụ dứa đầu tiên. Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao thực hiện đúng cam kết với nông dân đã tiến hành thu mua toàn bộ sản phẩm đạt yêu cầu. Tuy nhiên, kết quả sản xuất dứa đạt ở mức rất thấp làm cho nông dân bị lỗ.

Gia đình anh Nguyễn Trung Thành ở thôn Cam Vũ, xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ thuê đất của HTX Thủy Đông trồng 1,5 ha dứa. Cũng như nhiều hộ gia đình trong thôn, gia đình anh Thành hào hứng đón nhận dự án và tập trung đầu tư nhiều công sức, vốn liếng quyết tâm trồng thành công loại cây trồng mới này với mong muốn thu hoạch đạt năng suất cao, cho giá trị sản phẩm cao gấp nhiều lần trồng rừng. Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao cho anh ứng trước giống, phân bón (khoảng 52,5 triệu đồng/ha) và được huyện hỗ trợ một số vật tư phục vụ sản xuất như bạt phủ, gia đình anh Thành đầu tư 19 triệu đồng tiền làm đất và 25 triệu đồng thuê đất của HTX (thuê 1 chu kỳ kinh doanh cây dứa 2,5 năm); tiền công trồng, chăm sóc, làm cỏ, phủ rơm, thu hoạch…. Tổng cộng vốn đầu tư cho 1,5 ha dứa của gia đình anh Thành gần 150 triệu đồng. Anh Thành dự tính kết quả thu được là mỗi vụ thu hoạch khoảng 60 tấn dứa sản phẩm bán cho công ty được hơn 200 triệu đồng/vụ (một chu kỳ cây dứa thu hoạch trong 2 vụ trong thời gian canh tác 2,5 năm được gần 400 triệu đồng/1,5 ha). Nhưng mọi tính toán của anh Thành đã không thành hiện thực khi dứa ra hoa đúng vào lúc trên địa bàn bị hạn hán và suốt trong quá trình đậu quả có lượng mưa ít nên quả dứa khô quắt lại, teo tóp, nhẹ và xốp. Đến kỳ thu hoạch, chỉ có khoảng 60% sản lượng dứa của gia đình anh Thành đạt yêu cầu có trọng lượng từ 0,35 kg trở lên/quả, nhưng trong số đó quả đạt trọng lượng cao nhất cũng chỉ 0,5- 0,7 kg. Vì vậy, sản phẩm dứa của gia đình anh Thành thu được vừa sản lượng thấp, số quả nhỏ hơn tiêu chuẩn của công ty nhiều. Số quả nhỏ này công ty không mua, gia đình anh Thành phải mất công đi bán lẻ tại các chợ với giá rẻ như cho, khoảng 2.000 đồng/kg. Năng suất dứa của anh Thành chỉ đạt 20 tấn/ha, giá trị sản phẩm chỉ đạt 60 triệu đồng/ha. Anh Thành cho biết: “Trồng dứa chi phí cao, riêng tiền giống mỗi cây 600 đồng, tiền phân bón, chi phí vận chuyển vật tư phục vụ sản xuất, chi phí thuê đất, công chăm sóc 160 công/ha mà mỗi cây chỉ có 1 quả bán được khoảng 1.200 đồng. Mỗi héc ta gia đình tôi phải bù lỗ hơn 40 triệu đồng. Sản xuất bị thua lỗ nặng, sắp tới tôi không có tiền để trả tiền giống và phân bón cho công ty”.

Một số hộ khác trồng thử nghiệm dứa có kết quả khá hơn hộ anh Thành nhưng cũng lỗ ít nhất hơn 20 triệu đồng/ha. Hiện nay, nông dân đã thu hoạch xong lứa đầu và hầu hết họ đều muốn phá vườn dứa để trồng loại cây khác. Chị Lê Thị Bích Đào, ở thôn Cam Vũ, Cam Thủy, Cam Lộ cho biết: “Gia đình tôi trồng 9 sào cũng lỗ hơn 10 triệu đồng. Thu hoạch lứa đầu mà năng suất thấp thì lứa thứ 2 vào sang năm năng suất còn thấp hơn nhiều. Người dân không muốn duy trì trồng dứa nữa nhưng HTX vận động người dân duy trì vườn dứa để có thể tận dụng bán chồi cho công ty cứu lại một phần tiền vốn đã bỏ ra”.

Toàn xã Cam Thủy, Cam Lộ trồng 22 ha dứa, phần lớn được trồng trên diện tích đất lâm nghiệp trước đây trồng rừng của HTX Thủy Đông. Năng suất dứa trồng thử nghiệm tại xã Cam Thủy bình quân đạt 20 tạ/ha, chỉ bằng 50% kế hoạch, giá trị sản xuất chỉ đạt khoảng 70 triệu đồng/ha, trong khi chi phí lên tới hơn 100 triệu đồng/ha. Nguyên nhân mất mùa là do cả quảng thời gian dứa ra hoa, đậu quả và phát triển quả bị hạn hán kéo dài nên dứa không thể to quả được, trọng lượng quả đạt thấp.

Giám đốc HTX Thủy Đông Nguyễn Văn Lục cho biết: “Nếu đất này tiếp tục trồng rừng thì có hiệu quả hơn nhiều, nhưng cũng phải thử nghiệm một lần loại cây trồng mới vì mục đích muốn nâng cao giá trị sản xuất để nông dân yên tâm lựa chọn loại cây trồng nào thích hợp. Đối với cây dứa, trong điều kiện khí hậu, thời tiết của tỉnh thường hạn hán nhiều vào sau tết nguyên đán nên nếu có tiếp tục trồng mới cây dứa thì phải thay đổi lịch thời vụ. Phải dịch chuyển thời gian trồng sao cho khi cây ra hoa đậu quả và phình to quả vào khoảng từ tháng 12 đến tháng 1 mới có đủ lượng nước đáp ứng nhu cầu của cây phát triển quả”. Còn việc xây dựng hệ thống tưới tiêu cho cây dứa vùng gò đồi, theo ông Lục chi phí tốn kém hơn gấp nhiều lần hiệu quả mang lại. Do đó không thể xem việc xây dựng hệ thống tưới tiêu cho vùng nguyên liệu dứa là một giải pháp tốt. Thử nghiệm sản xuất cây trồng mới để tìm ra các loại cây trồng phù hợp mang lại giá trị kinh tế cao là việc làm thường xuyên và liên tục.

Việc thử nghiệm có thể thành công hoặc không cũng là việc bình thường. Trong mô hình trồng thử nghiệm cây dứa mới là bước đầu gặp khó khăn, ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh và chính quyền địa phương các vùng sản xuất thử nghiệm dứa trên địa bàn tỉnh tiếp tục nghiên cứu để điều chỉnh các biện pháp kỹ thuật phù hợp đối với loại cây này trong điều kiện khí hậu, thời tiết của tỉnh. Nhưng trước mắt người nông dân trồng dứa thử nghiệm vụ đầu gặp nhiều khó khăn về vốn do thua lỗ mà đến lúc phải trả nợ giống, nợ phân bón cho công ty và cần có vốn để tái sản xuất nông nghiệp. Khó khăn này nông dân cần sự chia sẻ, hỗ trợ của các bên liên quan để vượt qua và tiếp tục thử nghiệm thêm một năm nữa về cây dứa có thực sự thích nghi với khí hậu, thời tiết và điều kiện sản xuất của nông dân Quảng Trị hay không./.

Theo Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Liên kết Website
Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
Chính phủ Nước CHXHCNVN
https://quochoi.vn/
Báo Nhân dân
Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật
Cổng Thông tin điện tử Tỉnh ủy Quảng Trị
Báo Quảng Trị
Đài PT-TH tỉnh
Trang Thông tin điện tử UBND tỉnh
Trang tin điện tử Bộ Nông nghiệp&PTNT
Hội Nông dân Việt Nam
Báo điện tử Dân việt
Sở Nông nghiệp &PTNT
Sở khoa học công nghệ tỉnh Quảng Trị
Sở lao động TB&XH tỉnh Quảng Trị
Cổng thông tin điện tử pháp điển
Thăm dò ý kiến

Bạn nghĩ sao về sự thay đổi giao diện mới của trang web Hội Nông dân Quảng Trị so với phiên bản cũ?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập65
  • Máy chủ tìm kiếm20
  • Khách viếng thăm45
  • Hôm nay22,601
  • Tháng hiện tại469,579
  • Tổng lượt truy cập2,962,390
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây