Chuẩn bị cho vụ sản xuất đông xuân 2017 - 2018, ngành nông nghiệp đã triển khai sớm các phương án tổ chức sản xuất, trong đó đặc biệt lưu ý đến phương án lựa chọn giống lúa phù hợp để cung ứng cho nông dân trên địa bàn tỉnh nhằm tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả canh tác, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai và sâu bệnh gây ra.
Nông dân các địa phương chuẩn bị kỹ khâu làm đất để xuống giống vụ đông xuân |
Theo lịch thời vụ, lúa nước vụ đông xuân 2017 - 2018 toàn tỉnh sẽ tiến hành gieo sạ bắt đầu từ ngày 10/1/2018, tùy theo thời gian sinh trưởng của các giống lúa để bố trí thời vụ gieo cấy phù hợp, tạo điều kiện cho lúa trổ tập trung từ ngày 10/4 - 20/4/2018. Vụ đông xuân 2017 - 2018, ngành nông nghiệp chú trọng các giải pháp để chỉ đạo thống nhất các biện pháp khống chế bệnh lùn sọc đen. Đối với việc chuẩn bị giống lúa phục vụ sản xuất, quan điểm của ngành là đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống và cây trồng, tập trung sử dụng giống ngắn ngày, cực ngắn, giống chất lượng cao nhằm rút ngắn thời gian sinh trưởng, tiết kiệm nước, hạn chế thời tiết bất thuận và giảm chi phí sản xuất. Các giống lúa được ngành nông nghiệp khuyến cáo phù hợp và có thị trường tiêu thụ tốt gồm Thiên ưu 8, HT1, LDA1, PC6, RVT, Bắc Thơm 7, Khang Dân 18, HN6 …Ngoài ra mở rộng diện tích các giống lúa đã khảo nghiệm có triển vọng trên địa bàn tỉnh như TL6, DT45, N25, Sơn Lâm 1…Cơ cấu tỷ lệ giống vào sản xuất trên địa bàn không quá 30% cho mỗi giống. Đặc biệt hạn chế tối đa sử dụng giống lúa HC 95 vào sản xuất vụ đông xuân 2017 - 2018, lưu ý đối với các diện tích đã bị nhiễm bệnh lùn sọc đen trong vụ hè thu 2017 tuyệt đối không cơ cấu giống lúa HC 95 để tránh tái diễn tình trạng nhiễm bệnh.
Ông Phạm Xuân Tuyên, Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng - vật nuôi tỉnh cho biết: “Vụ đông xuân 2017-2018 trung tâm cung ứng gần 700 tấn giống lúa nguyên chủng với các loại giống lúa ngắn ngày, năng suất, chất lượng cao như HN6, P6, HT1... phục vụ sản xuất trên địa bàn tỉnh. Nguồn giống của trung tâm được sản xuất tại hai cơ sở tại xã Vĩnh Thủy (huyện Vĩnh Linh) và thị xã Quảng Trị. Tuy nhiên hiện nay, các địa phương trong tỉnh đang thiếu khoảng 60 tấn giống lúa Thiên Ưu 8 phục vụ cho chương trình cánh đồng mẫu lớn và vụ đông xuân 2017 - 2018. Sở Nông nghiệp và PTNT đã có văn bản đề nghị Công ty Cổ phần giống cây trồng Trung ương tiếp tục cung ứng thêm giống lúa này để đảm bảo cho chương trình xây dựng cánh đồng mẫu lớn của tỉnh”.
Theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, mỗi địa phương nên bố trí từ 3 - 4 loại giống lúa phù hợp trong bộ giống lúa chủ lực của tỉnh để tập trung thâm canh, nâng cao năng suất, sản lượng. Ngoài ra cũng chuẩn bị nguồn giống dự phòng để gieo cấy lại trên các diện tích bị thiệt hại do rét đậm, rét hại gây ra. Bố trí thời vụ gieo cấy tập trung và có biện pháp chăm sóc phù hợp nhằm tiết kiệm nước, giảm chi phí, hạn chế phát sinh các lứa sâu, bệnh gối nhau, đảm bảo lúa trổ trong khung gọn nhất, vừa tránh được rét trong vụ đông xuân, đồng thời thu hoạch nhanh, gọn để chủ động triển khai sản xuất vụ hè thu.
Để triển khai thắng lợi vụ sản xuất đông xuân 2017 - 2018, nông dân các địa phương cần đồng loạt tiến hành cày vùi gốc rạ, cỏ dại và ngâm nước trên toàn bộ diện tích sau khi thu hoach nhằm tiêu diệt nguồn gốc bệnh lùn sọc đen. Ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân tuyệt đối không đưa vào sản xuất các loại giống không có lý lịch, không rõ nguồn gốc, giống nhập khẩu chưa qua kiểm dịch thực vật, giống chưa được thử nghiệm trên đồng đất Quảng Trị cũng như các loại giống không có tên trong danh mục được phép sản xuất của Bộ Nông nghiệp và PTNT, không sử dụng thóc thịt làm thóc giống.
Bên cạnh đó, các địa phương cần rà soát diện tích sản xuất lúa thường xuyên thiếu nước tưới, đất sản xuất lúa hiệu quả thấp để xây dựng phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, gắn sản xuất với thị trường để mang lại hiệu quả cao hơn. Hướng dẫn người dân tăng cường áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến, các biện pháp quản lý cây trồng tổng hợp “1 phải, 5 giảm” là phải sử dụng giống xác nhận, giảm lượng hạt giống, giảm lượng phân đạm bón thừa, giảm thuốc BTVT hóa học, giảm lượng nước tưới và giảm tổn thất sau thu hoạch. Đặc biệt tăng diện tích áp dụng sạ hàng để giảm lượng giống gieo, vừa hạn chế sâu bệnh vừa tăng hiệu quả kinh tế. Đối với ngành chức năng, cần tăng cường phối hợp với các địa phương điều tra để dự tính, dự báo sâu bệnh hàng tuần, hàng tháng chính xác, kịp thời, hướng dẫn người dân phòng trừ các đối tượng dịch hại đang phát sinh mạnh trên địa bàn có khả năng ảnh hưởng lớn đến năng suất như bệnh lùn sọc đen, chuột, ốc bưu vàng, bệnh lạc lá, đạo ôn, rầy, khô vằn… Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cũng phân công cán bộ chuyên môn thường xuyên theo dõi đồng ruộng, kiểm tra diễn biến tình hình sâu bệnh hại và tuyên truyền, phổ biến tiến bộ kỹ thuật đến người nông dân nhằm có sự chủ động và chuẩn bị xuống giống đạt hiệu quả./.
baoquangtri.vn