Thực hiện chương trình chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng của huyện, Hội Nông dân huyện Cam Lộ đã vận động hội viên xã Cam Chính khai thác lợi thế tiềm năng đất đai vùng đất đỏ bazan trồng cây sắn dây mang lại hiệu quả thiết thực.
Đồng chí Lê Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ kiểm tra kết quả thu hoạch mô hình trồng sắn dây tại xã Cam Chính
Xã Cam Chính nằm ở trung tâm vùng Cùa, với lợi thế vùng đất đỏ bazan, từ bao đời nay người dân địa phương tập trung trồng cây hồ tiêu, cao su… mang lại hiệu quả kinh tế cao, mọi vườn nhà đều có trổng tiêu, trồng cây ăn quả… mỗi năm thu hoạch vài chục triệu đồng, tiêu Cùa đã khẳng định thương hiệu trên trường quốc tế.
Thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện, Hội Nông dân huyện Cam Lộ vận động bà con nông dân mạnh dạn đưa giống cây trồng, vật nuôi mới nuôi trồng trên địa phương mình. Cây sắn dây là loại cây quen thuộc lâu đời và là vị thuốc quý, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2016, được sự hỗ trợ của chính quyền các cấp, Hội Nông dân huyện tổ chức cho các hộ nông dân xã Cam Chính đến tỉnh Hải Dương tham quan học tập mô hình trồng cây sắn dây, tháng 3/2017 đã có 5 hộ mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình trồng cây sắn dây trên đất Cùa, đến nay đã cho thu hoạch…
Đồng chí Nguyễn Xuân Hoài, Chủ tịch Hội ND huyện Cam Lộ chỉ đạo thu hoạch mô hình trồng sắn dây tại xã Cam Chính
Gia đình anh Phan Văn Hóa, thôn Mai Đàn là một trong những người tiên phong, anh mạnh dạn trồng 100 gốc, được sự hỗ trợ của nhóm chuyên gia đến từ Hải Dương, đến nay đã thu hoạch, theo tính toán mỗi gốc sản lượng từ 50kg -70kg, có củ dài trên 2 mét.
Anh Hóa cho biết, trồng sắn dây không tốn đất, không tốn công sức và tiền đầu tư phân bón, giống. Một khóm sắn dây đầu tư khoảng 50 -70 nghìn đồng nhưng có thể thu về từ 500.000 - 700.000 đồng, trồng sắn dây đơn giản, cho leo lên giàn, chỉ cần làm ụ cao, giữ ẩm là cuối năm được thu hoạch, ngoài ra lá sắn dây là loại thức ăn yêu thích của thỏ.. vừa trồng sắn dây vừa nuôi thỏ sẽ đem lại lợi ích kép.
Đồng chí Nguyễn Xuân Hoài, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cam Lộ cho biết thêm: việc trồng cây sắn dây lâu nay bà con vẫn trồng theo phương thức truyền thống, năng suất không cao, bà con không chú ý đến cách chăm sóc và nguồn giống…. Từ khi bà con đến tỉnh Hải Dương học tập, bà con học được cách chăm sóc thâm canh, ủ mầm chọn giống . Mầm sắn dây được lấy từ dây sắn đã thu hoạch, đem dâm, khi mọc mầm mới bó đất như chiết cây, để ra rễ mới đem trồng, trồng bằng mầm ủ kiểu này có năng suất và hiệu quả hơn trồng theo cách truyền thống. Thực tế cho thấy rằng, nếu lấy đoạn dây vùi vào ụ đất, cây ra nhiều nhánh, nhiều rế nên củ nhỏ và không đạt năng suất nhưng nếu trồng bằng mầm ủ thì củ to, tập trung hơn..
Về kỹ thuật, nên đắp ụ cao gần 01 m, kích cỡ 1 x 1,5m là tốt nhất, làm ụ như đống rơm, chân to, trên nhỏ. Nếu được đất phù sa trộn với rơm, mùn là tốt nhất, yêu cầu đất tơi xốp. Khi trồng cần giữ độ ẩm liên tục và vừa phải, không được khô quá, không ẩm ướt quá. Cây sắn dây càng leo rộng càng tốt nên bón lót khoảng 7 – 10 kg supper lân/khóm, gần tới khi thu hoạch nên bón thêm 1 – 2 kg ka li. Cách bón chia làm hai đợt, cách nhau 10 ngày. Thành công của mô hình chỉ là bước đầu, bà con vẫn còn lo lắng vì chưa chủ động được nguồn giống, vì chưa ủ mầm thành công và chưa nắm được như kỹ thuật.
Trong thời gian tới, Hội Nông dân huyện Cam Lộ, tiếp tục liên hệ với nhóm chuyên gia giúp đỡ bà con về khâu kỹ thuật, vận động nông dân chuyển đổi từ đất trồng rừng, cải tạo vườn tạp mở rộng diện tích trồng sắn dây, phối hợp với các ngân hàng hỗ trợ bà con vay vốn đồng thời liên kết với các doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm cho nông dân./.
Nguyễn Đán