Tại Hội nghị BCH Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ 13, khóa XVI, trong đề dẫn thảo luận các kế hoạch, chương trình hành động thực hiện các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, khóa XII, nhất là kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 18, 19-NQ/TW, đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy đã yêu cầu “người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, địa phương phải quyết liệt dám đối đầu với lợi ích của một bộ phận nhỏ vì lợi ích lớn hơn của Đảng, Nhà nước và nhân dân để thực hiện cuộc “đại phẫu” sắp xếp, tổ chức lại bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Đó cũng chính là sự tiên liệu những lực cản khi thực hiện sắp xếp, tổ chức lại các cơ quan, đơn vị hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tham dự hội nghị BCH Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ 13, khóa XVI.
Cũng cần thấy rằng trong những năm qua, thực hiện các nghị quyết, kế hoạch của BCH Trung ương Đảng và BCH Đảng bộ tỉnh về đổi mới, kiện toàn tổ chức, bộ máy hệ thống chính trị gắn với tinh giản biên chế, cải cách tiền lương, bộ máy hành chính các cấp trong tỉnh đã nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn các cấp được ban hành kịp thời đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Việc quản lý, sử dụng biên chế, số người làm việc và tinh giản biên chế được tập trung thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Những kết quả đó đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh của tỉnh. Tuy nhiên hiện nay, các đơn vị hành chính của tỉnh nhìn chung quy mô nhỏ, nhiều đơn vị không đảm bảo theo tiêu chuẩn quy định, nhất là cấp xã, thôn, bản, khu phố. Tổ chức bộ máy cơ quan hành chính còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian; chức năng, nhiệm vụ của một số tổ chức trên một số lĩnh vực còn chồng chéo, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ở nhiều nơi còn hạn chế. Hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập phân tán, hoạt động hạn chế, chất lượng dịch vụ thấp, cơ chế tự chủ tài chính còn hình thức. Một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ… Từ thực trạng trên đặt ra yêu cầu phải sắp xếp lại tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là vấn đề cấp thiết.
Mục tiêu chung là tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nâng cao chất lượng hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước và chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội; phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; giảm chi thường xuyên và góp phần cải cách chính sách tiền lương. Hiện nay BCH Đảng bộ tỉnh đang hoàn chỉnh các dự thảo để ban hành kế hoạch, chương trình hành động, UBND tỉnh đã có đềán thực hiện các Nghị quyết Trung ương 6, khóa XII, thể hiện quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền tỉnh về nhiệm vụ chính trị quan trọng này, nhưng cũng cần thấy rằng để đạt được mục tiêu đề ra, phía trước sẽ còn nhiều khó khăn. Chẳng hạn như việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, thôn, khu phố là vấn đề phức tạp, liên quan đến tất cả các mặt của đời sống xã hội ở địa phương, liên quan đến quá trình lịch sử, truyền thống, văn hóa, phong tục, tập quán, nhất là một số làng có từ lâu đời, nay phải sáp nhập sẽ ảnh hưởng đến tâm tư, nguyện vọng của cán bộ và nhân dân. Đối với đơn vị hành chính cấp xã, khi sáp nhập số lượng cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách cấp xã sẽ dôi dư phải sắp xếp, bố trí và giải quyết chế độ, chính sách rất lớn. Đối với việc sắp xếp, tổ chức lại các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện, các đơn vị sự nghiệp công lập đã xác định được lộ trình thực hiện, song đây là vấn đề nhạy cảm, liên quan đến quyền lợi của nhiều tổ chức và nhiều cá nhân. Trong khi đó nhiều văn bản quy phạm pháp luật chưa theo kịp quá trình đổi mới tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; một số văn bản pháp luật về tổ chức nội dung chưa phù hợp gây cản trở quá trình triển khai thực hiện tinh gọn bộ máy… Bởi vậy để tổ chức lại bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII cần có sự phối hợp đồng bộ, quyết tâm và trách nhiệm cao của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là vai trò của người đứng đầu. Các nội dung phải được giải quyết một cách khách quan, công tâm, dựa trên luận cứ khoa học mới mang lại kết quả như mong muốn.
Mặt khác, quá trình thực hiện tổ chức lại bộ máy hệ thống chính trị cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, công tác tư tưởng, tạo sự thống nhất nhận thức và sự đồng thuận trong cán bộ, công chức, viên chức và trong toàn xã hội về chủ trương của Đảng. Cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phải nghiêm túc triển khai thực hiện, xem đây là tiêu chí để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ; kiên quyết thay thế, xử lý nghiêm các trường hợp chậm trễ, cố tình né tránh hoặc không thực hiện nhiệm vụ được giao. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với công tác sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, chỉ đạo kịp thời, sâu sát nhằm giải quyết các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện. Đồng thời cảnh giác và chủ động có các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh có hiệu quả với hoạt động của các thế lực thù địch và phần tử xấu lợi dụng việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế để xuyên tạc, chống phá, chia rẽ nội bộ; đảm bảo ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội./.
Theo baoquangtri.vn