Ngày 1/5/1972, tỉnh Quảng Trị được giải phóng. Từ sau ngày quê hương giải phóng đến nay, Đảng bộ, quân và dân tỉnh Quảng Trị đã vượt qua biết bao khó khăn, thử thách, đoàn kết, chiến đấu, lao động cần cù và sáng tạo, đổi mới xây dựng quê hương, gặt hái được những thành tựu quan trọng, rất đáng phấn khởi, tự hào. Đặc biệt, thành tựu trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội của tỉnh trong thực hiện công cuộc đổi mới đã tạo cho Đảng bộ và nhân dân Quảng Trị những thế và lực mới.
Những năm qua, tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Ảnh: Thanh Trúc |
Đặc biệt bước vào nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra 10 nhiệm vụ giải pháp chủ yếu cùng với những chương trình trọng tâm, khâu đột phá chiến lược phấn đấu thực hiện mục tiêu: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy mọi nguồn lực, đẩy mạnh cải cách hành chính và thu hút đầu tư, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế- xã hội; phấn đấu đưa Quảng Trị đạt trình độ phát triển trung bình của cả nước”. Bám sát nhiệm vụ, mục tiêu đề ra, Đảng bộ và chính quyền tỉnh đã triển khai quán triệt, cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động, quyết tâm làm chuyển biến ngay từ những năm đầu nhiệm kỳ, các cấp ủy đảng và chính quyền đã bám sát, tập trung tổ chức thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trong công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trong hơn 2 năm qua đạt đã được những thành tựu nổi bật. Kinh tế của tỉnh tăng trưởng khá so với mức bình quân chung của cả nước, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) năm 2016 đạt 6,35%, năm 2017 đạt 7,02%. Năm 2017, lần đầu trong nhiều năm Quảng Trị hoàn thành và vượt 22/22 chỉ tiêu kinh tế- xã hội Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra.
Sản xuất nông nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa. Đã hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh lúa chất lượng cao, mô hình cánh đồng lớn, ứng dụng công nghệ hữu cơ, được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Triển khai 6 mô hình CSA “Cánh đồng lớn sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hàng hóa và nâng cao hiệu quả trên đơn vị diện tích” và các mô hình trồng dứa, lạc, ngô... tại một số địa phương trong tỉnh. Một số tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới đã được áp dụng trong trồng cây công nghiệp dài ngày, trồng rừng; việc xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho nông sản hàng hóa được chú trọng.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trở thành phong trào thi đua sôi nổi, có sức lan tỏa sâu rộng trong quần chúng nhân dân. Đến cuối năm 2017, toàn tỉnh có 40 xã đạt tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, chiếm 34,2% tổng số xã. Kết quả trên đưa quá trình xây dựng nông thôn mới ở Quảng Trị bước vào một giai đoạn mới, nhiều kinh nghiệm được đúc rút và cũng nhiều nguồn nội lực được khơi thông.
Công nghiệp - xây dựng tăng trưởng khá. Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2016 tăng 10,11% (mức bình quân chung của cả nước là 7,5%); năm 2017 tăng 15,5%. Điều đáng phấn khởi là đã có sự dịch chuyển quan trọng trong tỷ trọng các ngành công nghiệp; các lĩnh vực sản xuất công nghiệp có thế mạnh tỉnh tập trung đầu tư, thu hút đầu tư tăng trưởng mạnh. Năm 2017 sản xuất, phân phối điện tăng 18,5%, sản xuất ván ép tăng 48%, sản xuất phân bón tăng 29,17%. Các mô hình sản xuất tiểu thủ công nghiệp và làng nghề được chú trọng phát triển. Đến nay toàn tỉnh có 48 làng nghề, trong đó có 15 làng nghề truyền thống, 33 làng nghề mới.
Nhiều dự án sản xuất công nghiệp hoàn thành đi vào hoạt động. Nhà máy điện gió Hướng Linh đã đưa vào hoạt động, hòa điện lưới quốc gia. Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã tiếp nhận, quản lý, vận hành cấp điện cho huyện đảo Cồn Cỏ. Đã phê duyệt quy hoạch chi tiết giai đoạn 1 khu trung tâm Khu kinh tế Đông Nam tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ triển khai và thu hút các dự án đầu tư.
Thương mại, dịch vụ phát triển đa dạng về loại hình, một số ngành dịch vụ như du lịch, chuyển giao công nghệ, tư vấn, viễn thông phát triển khá. Hệ thống các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh hoạt động ổn định, công tác cho vay có bước đổi mới, dư nợ tín dụng tăng.
Công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư có nhiều cách làm mới, đem lại kết quả thiết thực. Toàn tỉnh hiện có hơn 3.000 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký trên 17.000 tỷ đồng. Tổng sản phẩm của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tạo ra có tốc độ tăng trưởng khá, đóng góp 47,6% GRDP của tỉnh, giải quyết việc làm cho trên 35.500 lao động.
Hạ tầng giao thông, đô thị và hạ tầng mạng lưới điện được quan tâm phát triển. Nhiều dự án trọng điểm, thiết yếu đã và đang được khẩn trương triển khai thực hiện. Huy động nguồn vốn đầu tư toàn xã hội được quan tâm triển khai thực hiện thông qua nhiều giải pháp đồng bộ. Tích cực tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ của Trung ương trong vận động và triển khai thực hiện các dự án ODA, NGO, FDI và nguồn vốn do các bộ, ngành trung ương quản lý để đầu tư xây dựng các dự án quan trọng của tỉnh, đóng góp tích cực vào tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo thêm việc làm cho người lao động.
Cùng với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Bên cạnh tổ chức tốt các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao, các hoạt động kỷ niệm ngày truyền thống của các ngành, địa phương, lễ hội cách mạng, văn hóa truyền thống, công tác bảo tồn phát huy các giá trị di sản vật thể, phi vật thể được được chú trọng, để lại nhiều ấn tượng và tình cảm tốt đẹp trong cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trong tỉnh và đồng bào cả nước.
Sự nghiệp giáo dục - đào tạo tiếp tục phát triển cả về quy mô và chất lượng, nhiều học sinh đạt giải cao trong các cuộc thi trí tuệ trong nước và quốc tế. Mạng lưới y tế tiếp tục được củng cố và phát triển. Công tác an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Tỉ lệ hộ nghèo giảm bình quân giảm trên 1,7%/năm, đạt chỉ tiêu đề ra. Tỉnh đã tập trung chỉ đạo, hỗ trợ nhân dân chuyển đổi sinh kế, ổn định sản xuất, sinh hoạt khắc phục dần ảnh hưởng của sự cố ô nhiễm môi trường biển. Nhiều mô hình chuyển đổi sinh kế hiệu quả được triển khai thực hiện.
Công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức được triển khai đồng bộ và toàn diện. Công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng, phát triển đảng viên, xây dựng chính quyền và các đoàn thể chính trị-xã hội được chú trọng, phát huy được vai trò của mỗi tổ chức, góp phần tăng cường, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân. Công tác xây dựng, phát triển tổ chức đảng, kết nạp đảng viên trong các loại hình, nhất là trong doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước đạt được kết quả tích cực.
Kỷ niệm 46 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị, 43 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước chính là dịp chúng ta ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc, nhìn lại chặng đường phấn đấu xây dựng và phát triển của quê hương, đất nước; đồng thời nhận thức sâu sắc hơn giá trị, những bài học kinh nghiệm được tổng kết từ trong thực tiễn đấu tranh cách mạng của dân tộc để tiếp thêm sức mạnh, ý chí quyết tâm trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt khó, thúc đẩy phát triển toàn diện kinh tế- xã hội, bảo đảm an sinh xã hội; giữ vững quốc phòng, an ninh; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; góp phần cùng cả nước thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế./.
baoquangtri.vn