5 năm qua Hội Nông dân huyện Cam Lộ đã tích cực chỉ đạo, đẩy mạnh triển khai thực hiện phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Phong trào ngày càng đi vào chiều sâu, góp phần thiết thực vào việc thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo của huyện, tổ chức Hội qua đó được củng cố và phát triển vững mạnh.
Cơ sở sản xuất dầu lạc của ông Từ Linh Nhân xã Cam Thành, huyện Cam Lộ
Để phong trào thực sự có hiệu quả, hàng năm Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện xây dựng chỉ tiêu, tổ chức ký kết giao ước thi đua đến tận chi, tổ Hội. Qua đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ sở Hội bám sát tình hình thực tế, biện pháp phù hợp để triển khai thực hiện có hiệu quả hơn.
Hội đã vận động nông dân chuyển dịch kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững theo hướng đa dạng, gắn với vùng chuyên canh để sản xuất hàng hóa, phát huy thế mạnh từng vùng, xây dựng các mô hình, bố trí cây trồng vật nuôi phù hợp. Tham gia công tác quy hoạch, dồn điền đổi thửa, cải tạo đồng ruộng, di dời mồ mả, mở rộng diện tích, thực hiện cơ giới hóa, đầu tư thâm canh và hình thành vùng chuyên canh giống chất lượng cao, các loại cây hoa màu ngắn ngày, cây ăn quả có hiệu quả kinh tế. Thực hiện các Nghị quyết chuyên đề của huyện, vận động nông dân mở rộng diện tích trồng cao su, hồ tiêu, tham gia câu lạc bộ trồng tiêu với mô hình vườn tiêu sạch bệnh, năng suất cao; vận động nông dân sản xuất hiệu quả ngô vụ Đông, đậu xanh vụ Hè thu...
Lĩnh vực chăn nuôi cũng được phát triển theo hướng nâng cao chất lượng đàn và đa dạng hoá các loại vật nuôi. Vận động hội viên thực hiện mô hình trồng cỏ nuôi bò thâm canh, bán thâm canh. Nhiều hộ đã mạnh dạn vay vốn đầu tư trồng cỏ, thụ tinh nhân tạo cải tạo con giống, mở rộng chuồng trại chăn nuôi theo hướng công nghiệp từ 5 đến 10 con, cho lợi nhuận hàng năm từ 60 - 100 triệu đồng. Tiềm năng và lợi thế của địa phương đã được chú trọng phát huy khai thác hợp lý nên nhiều loại cây trồng, vật nuôi có giá trị được đầu tư phát triển như mô hình liên kết chăn nuôi lợn ở Cam Thanh, thị trấn Cam Lộ, Cam chính; Nuôi gà công nghiệp ở Cam Hiếu, Cam Nghĩa; Nuôi thỏ, nhím ở Cam Thành; Mô hình nuôi cá, trồng nấm, thanh long, trồng rau, trồng chè vằng nấu cao,…cũng đang được nhân rộng.
Các cấp Hội phối hợp tốt với các ngành liên quan hàng năm tổ chức từ 60-70 lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi và trồng trọt, hướng dẫn nông dân thực hiện nhiều mô hình có hiệu quả như: Mô hình lúa - cá, nuôi nhím, lợn rừng, mô hình trồng nấm, lạc phủ ny lông...Nhiều mô hình đã được nhân rộng và đã trở thành phong trào rộng khắp trong toàn huyện. Để giúp cho hội viên có vốn phát triển sản xuất, Hội đã ký kết liên ngành với Ngân hàng NN&PTNT huyện, thành lập được 28 tổ với 799 hộ vay dư nợ trên 38 tỷ đồng; nhận uỷ thác với Ngân hàng Chính sách - Xã hội cho trên 2.500 hội viên nông dân vay vốn ở 68 tổ, dư nợ trên 60 tỷ đồng. Có 81 hộ hội viên vay gần 2 tỷ đồng từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp đầu tư chăn nuôi bò lai Sind sinh sản ở Cam Hiếu, Cam An, Cam Thanh; chăn nuôi lợn sinh sản ở Hợp tác xã Thống Nhất; chăm sóc vườn tiêu ở Cam Chính...12 hộ vay vốn từ Dự án Renew với tổng số vốn 100 triệu đồng (Cam Chính, Cam Thanh) để chăn nuôi lợn. Ngoài ra các cấp Hội đã phối hợp với Ngân hàng NN&PTNT huyện thẩm định 53 hồ sơ vay vốn hỗ trợ nông dân mua máy nông nghiệp với hình thức trả chậm theo Quyết định 68 của Thủ tướng Chính phủ, nhằm đưa cơ giới vào phục vụ sản xuất...
Cùng với những hoạt động hỗ trợ thiết thực của các cấp Hội, nhiều hộ nông dân đã biết tận dụng và phát huy những lợi thế, tiềm năng sẵn có ở địa phương, luôn suy nghĩ tìm tòi, áp dụng các phương thức sản xuất mới, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh nâng cao hiệu quả kinh tế. Nhờ đó mà hộ khá giàu tăng, hộ nghèo giảm. Cuối năm 2015 toàn huyện có 1.670 hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, tăng 469 hộ so với năm 2010, đạt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 14,98% năm 2010 xuống còn 6,02% năm 2015, trong đó, có 163 hộ nông dân chiếm 1,2%.
Đi đầu trong việc chỉ đạo thực hiện phong trào là Hội Nông dân thị trấn Cam Lộ và các xã Cam Thành, Cam An, Cam Nghĩa, Cam Tuyền,...Từ trong phong trào xuất hiện ngày càng nhiều gương nông dân làm kinh tế giỏi, điển hình như hộ ông Hồ Văn Lương ở Mai Lộc, xã Cam Chính mở trang trại trồng hồ tiêu và chăn nuôi lợn hàng năm thu về gần 500 triệu đồng, giải quyết cho 6 lao động có việc làm thường xuyên. Từ vùng đồi trọc, bà Trần Thị Tâm hội viên nông dân xã Cam Thành đã mạnh dạn vay 1,2 tỷ đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp đầu tư xây dựng và đã thành công với với mô hình trang trại tổng hợp, bước đầu thu trên 200 triệu đồng mỗi năm. Ông Nguyễn Ngọc Xuân, Giám đốc Hợp tác xã Đoàn kết ở thôn Cu Hoan xã Cam Nghĩa ngoài trang trại chăn nuôi lợn hàng năm cho thu nhập từ 70 đến 100 triệu đồng, ông còn làm dịch vụ vận tải, cung ứng thức ăn chăn nuôi, thu mua hàng nông sản đã tạo việc làm cho 20 đến 30 lao động/năm... Không cam chịu nghèo khó, bằng ý chí và nghị lực vươn lên trong cuộc sống, gia đình ông Phan Thanh Bảo ở chi Hội Trương xá (Cam Hiếu), ông Hồ Văn Miệt chi Hội Bản Chùa (Cam Tuyền), bà Trần Thị Hường chi Hội Tân Xuân 1 (Cam Thành) và nhiều hộ nông dân khác đã mạnh dạn thay đổi cung cách làm ăn thoát khỏi hộ nghèo, cuộc sống ổn định và ngày một khấm khá.
Thời gian tới, Hội tiếp tục thực hiện và phối hợp thực hiện các mô hình kinh tế, chuyển giao khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi tạo ra sản phẩm nông nghiệp có giá trị hàng hóa cao, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Cam Lộ lần thứ XV đã đề ra./.
Bài và ảnh: Thanh Hải