Xã Linh Thượng, huyện Gio Linh là địa bàn chủ yếu người đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô sinh sống, điều kiện phát triển kinh tế khó khăn, địa hình hiểm trở, đất đai khô cằn…vì thế mà cuộc sống của người dân hết sức vất vả, thiếu thốn. Là người con lớn lên ở vùng đất này, vừa là người lính bộ đội Cụ Hồ trong thời chiến, nay là cán bộ Hội Nông dân xã, anh Hồ Văn Thăm ở thôn Đồng Dôn, xã Linh Thượng thấu hiểu điều kiện và cuộc sống của người dân nơi đây qua từng năm tháng.
Anh luôn trăn trở phải làm sao cho nông dân quê mình biết cách làm ăn, biến những vùng đất trống, đồi trọc thành những cánh rừng xanh bạt ngàn.
Anh Hồ Văn Thăm đang chăm sóc vườn tiêu gia đình
Từ năm 2009 đến nay, với cương vị Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã anh luôn gương mẫu chấp hành và tuyên truyền, vận động giúp nông dân hiểu, chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Mặt khác anh luôn nhiệt tình giúp đỡ bà con trong cách làm ăn, vươn lên thoát nghèo.
Xác định phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững là phong trào trọng tâm của Hội, vì vậy anh tiên phong trong việc khai phá, mở rộng và đầu tư thâm canh trồng trọt và chăn nuôi, tận dụng tối đa lợi thế sẵn có của địa phương. Trên lĩnh vực trồng trọt, với diện tích hơn 5 ha đất được nhà nước cấp, gia đình anh san ủi trồng 03 ha rừng tràm, sau 05 năm cho thu nhập, mỗi năm đạt từ 50-70 triệu đồng và trồng 02 ha cao su mới đi vào khai thác. Việc trồng rừng ở nơi đầu nguồn, địa hình hiểm trở có tác dụng rất lớn vừa ngăn chặn được xói lở khi lốc xoáy, bão giông đến vừa bảo vệ rừng đầu nguồn, cân bằng sinh thái bảo vệ môi trường sống.
Với hơn 02 sào đất đỏ ba zan, khá bằng phẳng trong vườn nhà, vợ chồng anh trồng 200 gốc cây tiêu, sản lượng đạt khoảng 200kg/năm, thu nhập gần 40 triệu đồng/năm. Chia sẽ với chúng tôi về trồng cây tiêu ở địa phương, anh Hồ Văn Thăm cho biết: đối với cây tiêu, từ khi trồng đến lúc thu hoạch cần áp dụng khoa học kỹ thuật trong việc chăm sóc, theo dõi quá trình sinh trưởng và phát triển của cây bởi nó phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Tuy đất đai ở đây còn rộng, khá phì nhiêu nhưng người dân nhận thức về cây tiêu và trồng tiêu chưa nhiều.
Đối với những hộ trồng tiêu trong vùng anh tận tình hướng dẫn từ những kinh nghiệm mà bản thân anh đã tích lũy được, mặt khác trong thời gian qua, thấy được hiệu quả từ vườn tiêu của gia đình anh, nhiều bà con đã quyết tâm tìm tòi, học hỏi và làm theo, bước đầu mang lại kết quả khả quan. Về hướng phát triển trong thời gian tới anh tâm sự: cần tuyên truyền, vận động và phối hợp với các ban ngành liên quan tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho nông dân giúp họ có kinh nghiệm trong việc trồng và chăm sóc tiêu, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích.
Bên cạnh trồng các cây công nghiệp lâu năm, gia đình anh Hồ Văn Thăm còn làm hơn 03 sào lúa nước, mỗi năm thu hoạch 02 vụ đạt sản lượng từ 1-1,2 tấn; nuôi 05 con trâu chủ yếu chăn thả và các loại gia cầm khác; tận dụng diện tích đất gần khe suối, gia đình anh đào ao thả cá...vừa chủ động cung cấp nguồn lương thực, thực phẩm cho gia đình vừa tạo ra hàng hóa bán ra thị trường. Ước tính tổng thu nhập bình quân của gia đình anh Hồ Văn Thăm mỗi năm đạt từ 150 - 170 triệu đồng. Chính nhờ đó, mà vợ chồng anh chăm lo cho các con ăn học, mua sắm trang thiết bị, phương tiện sinh hoạt, cuộc sống ngày một được cải thiện, từ bàn tay và khối óc của mình, gia đình anh đã trở thành hộ có kinh tế khá giả trên vùng đất gò đồi phía Tây của huyện./.
Nguyên Hạnh