Theo chân anh Lê Văn Tiến, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hải Sơn (huyện Hải Lăng, Quảng Trị), chúng tôi đến thăm mô hình chăn nuôi của gia đình chị Võ Thị Bạch Cúc ở thôn Như Sơn, tận mắt thấy được hiệu quả chăn nuôi sau học nghề của chị.
Chị Cúc năm nay 38 tuổi. Trước đây gia đình chị chỉ nuôi 1-2 con lợn nái, 10 -20 con lợn thịt, chăn nuôi theo kinh nghiệm sẵn có của mình nên thường gặp rủi ro, sinh trưởng của lợn không đồng đều, hiệu quả đem lại thấp. Chị luôn trăn trở, suy nghĩ phải làm gì, làm như thế nào để kinh tế gia đình phát triển, chứ chỉ trồng lúa, trồng lạc thì gia đình không thể khá lên được. Chị bàn bạc với chồng và quyết định đầu tư vào chăn nuôi, nhưng trước hết phải đăng ký với chi hội nông dân để học nghề. Năm 2013, chị được tham gia lớp học nghề sơ cấp chăn nuôi thú y 3 tháng do Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh mở tại xã.
Khi có kỹ thuật và với nguồn vốn tích lũy được, gia đình chị bắt tay vào xây dựng thêm chuồng trại. Với kinh nghiệm của bản thân và kiến thức qua lớp học nghề đã giúp chị tự tin trong các khâu chọn giống, chọn thức ăn, cách chế biến tận dụng phụ phẩm trong nông nghiệp (rau, sắn, cám…), khẩu phần thức ăn cho từng thời kỳ sinh trưởng, kỹ thuật phòng trừ dịch bệnh, cách chăm sóc, vệ sinh chuồng trại và môi trường luôn được đảm bảo. Chị đã mạnh dạn áp dụng tốt các kiến thức, kỹ thuật vào chăn nuôi nên đàn lợn luôn khỏe mạnh và lớn lên từng ngày.
Hiện nay, nhà chị nuôi 11 con lợn nái, số lượng lợn con sinh ra đều chuyển sang nuôi lợn thịt của gia đình từ 70-80 con/lứa. Bình quân mỗi năm chị bán 200 - 220 con lợn thịt. Sau khi trừ chi phí, lãi 700.000đ- 800.000đ/con. Gia đình chị còn nuôi 8 con trâu. Tính riêng thu nhập từ chăn nuôi là 170 triệu đồng/năm. Chăn nuôi kết hợp trồng trọt, gia đình chị làm 2 mẫu ruộng lúa, trồng 1 mẫu lạc… Chị đã sử dụng nguồn phân thải của chăn nuôi nên đã giảm được chi phí mua phân bón cho cây trồng, tạo việc làm cho 3-4 lao động của địa phương lúc thời vụ. Tổng thu nhập của gia đình chị từ 210-230 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí.
Chị Cúc cho biết: “Muốn thành công trong chăn nuôi thì việc nắm bắt các tiến bộ khoa học kỹ thuật là rất quan trọng”. Chính từ nguồn thu nhập ổn định từ chăn nuôi, gia đình chị đã vươn lên khá giàu, xây dựng được nhà cửa khang trang, có điều kiện chăm lo tốt việc học hành cho các con. Mô hình chăn nuôi kinh tế nông hộ sau khi học nghề của chị Võ Thị Bạch Cúc là một mô hình phù hợp với điều kiện sản xuất chăn nuôi ở vùng nông thôn, đáng để học tập, nhân rộng.
VÕ HỮU LẮM