Nhân dịp về công tác ở xã Triệu Hòa (Triệu Phong), chúng tôi được gặp chị Lê Thị Thu ở thôn Vân Hòa, nhờ đầu tư chăn nuôi lợn sau học nghề gia đình chị đã vươn lên thoát nghèo.
Mô hình chăn nuôi lợn của chị Lê Thị Thu
Trước đây ngoài làm ruộng lúa 05 sào, gia đình chị nuôi 02 con lợn nái, khi nó sinh ra lợn con đều để nuôi, mỗi năm nuôi được khoảng 70-80 con lợn thịt nhưng vẫn đeo đẳng cái nghèo.
Chị còn bộc bạch: “Từ khi chồng tôi được tham gia Lớp học nghề chăn nuôi lợn do Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh mở năm 2013 tại Hội trường của thôn, không chỉ biết riêng mình, chồng tôi đã hướng dẫn cặn kẽ các kỹ thuật, dần dần truyền nghề cho tôi để cùng làm”.
Có được kỹ thuật trong tay, gia đình chị đã mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội 30 triệu đồng để mua thêm giống lợn nái, xây dựng thêm chuồng trại. Hiện nay, gia đình chị nuôi 07 lợn nái, nhưng có lúc vẫn thiếu giống lợn, phải mua thêm. Mỗi năm, xuất chuồng 240-260 con lợn thịt. Sau khi trừ chi phí, lãi được 600.000đ/con, mỗi năm thu được từ chăn nuôi lợn 150 – 160 triệu đồng.
Thời gian gần đây, chồng chị thường xuyên bị bệnh nên chị phải trực tiếp chăm sóc cho đàn lợn của mình. Càng làm thì chị càng tự tin hơn. Chị biết tận dụng thức ăn sẳn có, các phụ phẩm trong nông nghiệp, chế biến phối trộn thức ăn cho đảm bảo dinh dưỡng theo từng thời kỳ sinh trưởng của lợn, biết chăm sóc ấm vào mùa đông, thoáng mát vào mùa hè, thường xuyên vệ sinh chuồng trại, đặc biệt là chị đã tự phối tinh và điều trị bệnh cho lợn ốm. Gia đình chị chăn nuôi có quy mô nên huyện đã hỗ trợ xây dựng hầm ủ khí sinh học Bioga để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm được chi phí mua chất đốt. Gia đình chị đã được vươn lên thoát nghèo nhờ phát triển chăn nuôi lợn sau học nghề.
Chị tâm sự:“Có được kết quả hôm nay, ngoài sự phấn đấu hết mình của hai vợ chồng tôi, cũng nhờ cấp trên đã quan tâm giúp đỡ, Hội Nông dân xã đã tổ chức mở lớp dạy nghề chăn nuôi lợn cho chúng tôi để mang lại hiệu quả cao”.
Không chỉ chăm lo công việc gia đình, chị còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội do địa phương phát động; sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn, trao đổi kinh nghiệm làm ăn với bà con lối xóm, được nhiều người trong thôn tin yêu, quý trọng./.
Võ Hữu Lắm