Một đời đam mê với nghề đóng thuyền

Thứ tư - 04/05/2016 04:14 76 0
Trong khi phần lớn những người theo nghề đóng thuyền truyền thống ở các xã biển bãi ngang đều đã dần bỏ nghề hoặc chuyển nghề khác thì đến nay ông Trương Văn Dũng, thôn Thâm Khê, xã Hải Khê, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) vẫn miệt mài bám trụ, đam mê với nghề đóng thuyền của cha ông.

Trong khi phần lớn những người theo nghề đóng thuyền truyền thống ở các xã biển bãi ngang đều đã dần bỏ nghề hoặc chuyển nghề khác thì đến nay ông Trương Văn Dũng, thôn Thâm Khê, xã Hải Khê, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) vẫn miệt mài bám trụ, đam mê với nghề đóng thuyền của cha ông.

Giữa tiết trời nắng oi nóng của những ngày đầu hè, ông Dũng đang cần mẫn sơn phết lại chiếc thuyền gần hoàn thiện, chuẩn bị giao cho khách. Quệt vội những giọt mồ hôi lấm tấm trên khuôn mặt, ông Dũng nghỉ tay tiếp chuyện chúng tôi. Nhìn dáng người gầy gò, đen nhẻm và khuôn mặt khắc khổ ít ai nghĩ rằng người đàn ông miền biển này vừa bước vào tuổi 60. Rót chén nước chè xanh mời khách, ông Dũng chậm rãi kể lại duyên nghiệp đóng thuyền của mình.

Ông kể, bắt đầu từ năm 11 tuổi ông đã theo ông chú là thợ đóng thuyền có tiếng hồi ấy học việc. Sau hơn 5 năm miệt mài học nghề, ông đã biết làm thành thạo các công đoạn cơ bản của nghề đóng thuyền. Ông ở lại làm nghề với người chú. Rồi giai đoạn sau ngày quê hương mới giải phóng, do nguồn nguyên liệu gỗ, tre khan hiếm nên hai chú cháu nghỉ nghề một thời gian. Rảnh rang, ông theo anh em bạn thuyền đi biển mưu sinh. Vài năm sau, ông quay trở lại với nghề đóng thuyền và duy trì từ đó cho đến nay.

“Tính đến nay tôi đã gần như cả đời gắn bó với nghề đóng thuyền rồi. Làm nghề đóng thuyền rất vất vả, đặc biệt là hồi trước. Tôi phải nhận làm tất tần tật từ khâu bào, đục đẽo, lắp ráp nẹp gỗ, khung sườn, đan tre nan… và các khâu này đều phải làm thủ công hoàn toàn. Bởi vậy hồi đó để làm hoàn thành một chiếc thuyền mất cả tháng trời hoặc dài hơn tùy thuộc vào thuyền nhỏ hay lớn”, ông Dũng cho biết.

Theo ông Dũng, nghề đóng thuyền không phải ai cũng làm được, bởi người làm nghề phải có kinh nghiệm dày dặn, có con mắt tinh tường và đầu óc tính toán tỉ mỉ, bắt tay vào thực hiện mỗi công đoạn đều phải chính xác tối đa. “Tiêu chí để đánh giá một con thuyền tốt là chắc chắn, cứng cáp, trọng lượng nhẹ nhất có thể và có tuổi thọ sử dụng lâu nhất. Tôi cũng tự hào rằng mình đã cho ra đời nhiều chiếc thuyền tốt, được bà con ưng ý và tin tưởng”, ông nói.

Ở xã Hải Khê nói chung và thôn Thâm Khê nói riêng hiện nay chỉ còn đếm trên đầu ngón tay những người thợ theo nghề đóng thuyền. Nhiều người không chịu được vất vả, hay tay nghề không cao, hoặc do chuyển sang nhiều nghề đang thịnh hành hiện nay như chăn nuôi lợn, nuôi tôm, buôn bán hải sản, kinh doanh dịch vụ… mà đã dần bỏ nghề. Với đam mê, uy tín và sự nhiệt tình của mình , ông Dũng được hầu hết bà con ngư dân trong vùng tin tưởng đặt đóng thuyền.

Ông cho biết, vài năm trước có đứa cháu xin học nghề nhưng vì thấy gian nan, vất vả quá, với lại thu nhập bấp bênh nên sau một thời gian ngắn đã đi vào Nam làm ăn. Bây giờ, nghề đóng thuyền có đỡ vất vả hơn, vì các khâu như làm nẹp, đóng khung sườn, tấm nan cũng đã có thể đặt sẵn nơi khác nhưng không vì thế mà nghề đóng thuyền dễ dàng.

“Cái khó nhất khi đóng thuyền là khâu ráp nẹp, độ cong của nẹp phải được tính toán kỹ càng, bởi khâu này sẽ quyết định chiếc thuyền có thể cân bằng trên mặt biển, đủ sức vượt sóng và chống chọi với những đợt sóng gió khắc nghiệt. Người thợ giỏi hơn nhau là ở khâu lắp ráp, tính toán kỹ từng khâu và tổng thể”, ông Dũng nói.

Những năm gần đây, mỗi năm ông Dũng đóng mới bình quân được từ 15-20 chiếc thuyền cho khách. Đối với mùa nắng, thời gian để hoàn thành một chiếc thuyền mất từ 10-15 ngày. Mùa này, mỗi tháng bình quân ông đóng được khoảng 2 chiếc, mỗi chiếc có trị giá từ 16-25 triệu đồng, tiền công đóng bình quân mỗi chiếc là 4 triệu đồng. Theo ông Dũng, thì thuyền do ông đóng có tuổi thọ sử dụng khoảng từ 15-20 năm, và hàng năm các thuyền lúc không đi biển đều cần thiết phải bảo dưỡng. Khách hàng của ông Dũng không chỉ ở trong xã mà còn ở tận các xã biển bãi ngang ở Thừa Thiên- Huế. Không chỉ đóng thuyền mới, hễ cứ có khách quen gọi ông lại tranh thủ lên đường đi tu sửa ghe cho người ta mỗi khi bị hư hỏng.

Chia tay người thợ đóng thuyền gắn cả đời mình với nghề truyền thống cha ông, giữa ngày nắng chang chang, tiếng lốc cốc lắp ráp thuyền vẫn đều đều vọng lại. Ông tâm sự: “Nghề này đòi hỏi tính nhẫn nại, tỉ mỉ và hơn cả là sự đam mê. Với tôi có lẽ cả đời này đã dành cho nghiệp đóng thuyền. Hiện nay tôi chỉ hành nghề có một mình vì con cái không đứa nào nối nghề cả. Và dù có vất vả thế nào đi nữa tôi cũng sẽ nguyện theo nghề đến khi nào sức khỏe không cho phép hoặc bà con hết tín nhiệm mới thôi”.

baoquangtri.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Liên kết Website
Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
Chính phủ Nước CHXHCNVN
https://quochoi.vn/
Báo Nhân dân
Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật
Cổng Thông tin điện tử Tỉnh ủy Quảng Trị
Báo Quảng Trị
Đài PT-TH tỉnh
Trang Thông tin điện tử UBND tỉnh
Trang tin điện tử Bộ Nông nghiệp&PTNT
Hội Nông dân Việt Nam
Báo điện tử Dân việt
Sở Nông nghiệp &PTNT
Sở khoa học công nghệ tỉnh Quảng Trị
Sở lao động TB&XH tỉnh Quảng Trị
Cổng thông tin điện tử pháp điển
Thăm dò ý kiến

Bạn nghĩ sao về sự thay đổi giao diện mới của trang web Hội Nông dân Quảng Trị so với phiên bản cũ?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập118
  • Máy chủ tìm kiếm7
  • Khách viếng thăm111
  • Hôm nay11,812
  • Tháng hiện tại323,010
  • Tổng lượt truy cập2,201,388
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây