Họ là những hội viên nông dân, hội viên phụ nữ có đức tính cần cù, chịu khó học hỏi kinh nghiệm để đầu tư phát triển kinh tế gia đình, từng bước vươn lên làm giàu, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Không cam chịu đói nghèo
Trước cuộc sống còn nhiều thiếu thốn, ông Hồ Văn Cươi, ở thôn Thanh 4, xã Thanh, huyện Hướng Hóa đã động viên gia đình thay đổi cách làm ăn, quyết chí vượt lên đói nghèo, trở thành điển hình trong phát triển kinh tế ở địa phương.
Ông Hồ Văn Cươi là tấm gương nỗ lực phát triển kinh tế gia đình ở vùng khó
Nhiều năm trước, gia đình ông Cươi khai hoang đất đồi gần nhà để trồng lúa rẫy, trồng bắp nhưng thu nhập thấp. Khi có chủ trương của địa phương khuyến khích chuyển đổi cây trồng và được sự hỗ trợ tích cực của Hội Nông dân xã, hơn 5 năm nay, gia đình ông Cươi được vay vốn ưu đãi để đầu tư chăn nuôi, trồng trọt. Nhận thấy đất đai, thời tiết vùng Lìa phù hợp trồng chuối và sắn, sau khi tham quan, học hỏi một số mô hình trồng các loại cây này hiệu quả, tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt do Hội Nông dân xã tổ chức, ông quyết tâm chuyển đổi diện tích trồng lúa rẫy, bắp và khai hoang thêm đất để trồng 6 ha sắn, 1.000 gốc chuối mốc, đã cho thu hoạch nhiều vụ. Bên cạnh đó, ông Cươi còn đầu tư nuôi đàn bò 10 con, đàn dê 12 con và hơn 100 con gà, ngan, sau khi trừ chi phí, tổng thu nhập của gia đình ông hơn 150 triệu đồng/năm. Ông Cươi chia sẻ: “Nhờ có nguồn thu nhập từ trồng trọt và chăn nuôi, gia đình tôi đã trả hết nợ và xin ra khỏi hộ nghèo từ mấy năm trước. Cũng nhờ chịu khó làm ăn, gia đình tôi có điều kiện chăm lo cho các con học hành đàng hoàng, xây dựng được ngôi nhà sàn kiên cố, mua sắm trang thiết bị sinh hoạt đắt tiền”.
Ngoài việc chăm chỉ làm giàu cho gia đình, ông Cươi luôn tìm đến những hộ nghèo trong thôn vận động họ mạnh dạn vay vốn, đầu tư làm ăn, vươn lên thoát nghèo. Ông sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm làm giàu, kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi để dân bản cùng làm ăn, góp sức xây dựng bản làng no ấm, văn minh.
Trở thành triệu phú nhờ trồng cam
Thực hiện chủ trương của địa phương về chuyển đổi đất hợp tác xã phát triển cây lâm nghiệp sang đất trang trại hộ gia đình, nhiều năm nay, chị Trần Thị Duyên ở thôn Long Hưng, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng là một trong những người tiên phong lên vùng đồi K4 để lập nghiệp. Với rất nhiều nỗ lực, chị đã góp phần biến K4 từ một vùng đồi trọc trở thành vùng trồng cam có tiếng ở địa phương.
Sau thời gian nghiên cứu về đất đai, khí hậu, 5 năm trước, chị Duyên quyết định ra Nghệ An tham quan, học tập kinh nghiệm tại một số mô hình trồng cam, mua giống cam Vân Du và Xã Đoài về trồng trên diện tích 1 ha tại đồi K4. Những ngày đầu trồng cam trên đất đỏ pha sỏi, chị kiên trì chăm bón đúng kỹ thuật cho cây. Nhờ vậy, vườn cam của gia đình chị phát triển tốt, chỉ 3 năm sau đã cho quả bói. Sau khi thu hoạch vụ đầu tiên, trừ chi phí gia đình chị lãi hơn 100 triệu đồng. Những vụ cam sau, nhờ duy trì tốt việc chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh và thu hoạch cam đúng cách nên vườn cam của gia đình chị lúc nào cũng trĩu quả, chất lượng tốt, được thị trường ưa chuộng, giá ổn định. Mỗi cân cam có giá từ 20 - 25 nghìn đồng, với 1 ha cam, cho doanh thu khoảng 400 triệu đồng/ năm, trừ chi phí chị lãi từ 150 - 200 triệu đồng. Thấy hiệu quả từ việc trồng cam, năm 2017 chị tiếp tục làm đất, trồng thêm 1 ha loại cây này.
“Thật không dễ dàng để trồng thành công các loại cây ăn quả trên đất đồi cằn cỗi, còn nhiều bom đạn sót lại sau chiến tranh. Thế nhưng, chị Duyên không chỉ làm được điều đó mà còn góp phần cùng nhiều hộ dân khác trong thôn xây dựng thương hiệu cam K4 của địa phương. Bên cạnh chăm lo phát triển kinh tế gia đình, chị Duyên còn là hội viên phụ nữ gương mẫu trong mọi việc, xứng đáng là một trong những người đi đầu trong phong trào phụ nữ sản xuất kinh doanh giỏi ở địa phương”, chị Văn Thị Quyến, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hải Phú cho biết.
Mô hình VACR ở vùng gò đồi
Những năm qua, anh Trần Quang Diệu ở thôn Thượng Phước, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong đã tiên phong xây dựng mô hình kinh tế vườn- ao- chuồng- rừng (VACR) trên vùng gò đồi với thu nhập bình quân hơn 200 triệu đồng/năm.
Từ trung tâm xã Triệu Thượng vào đến khu vực Trèn, nơi anh Diệu xây dựng mô hình kinh tế VACR dài hơn 3 km đường trơn trượt, nhiều đoạn lầy lội rất khó đi. Tuy nhiên, không ngại khó khăn, hằng ngày anh cần mẫn vào ra nơi đây chăm sóc khu rừng tràm gần 10 ha, 2 ha ao cá, chăn nuôi đàn lợn, dê thả đồi của gia đình. Trước đây, diện tích đất vùng gò đồi này được gia đình anh khai hoang chủ yếu để trồng rừng và đào ao nuôi cá. Tuy nhiên, anh thấy nếu chỉ trồng rừng, nuôi cá thì hiệu quả kinh tế trước mắt không cao. Để lấy ngắn nuôi dài, trên cơ sở các điều kiện ở khu vực vùng gò đồi phù hợp với chăn nuôi, 3 năm nay anh đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn, dê theo hình thức chăn thả. Quá trình thực hiện mô hình VACR, anh gặp khá nhiều thuận lợi, rừng tràm phát triển rất tốt, vì xa khu dân cư nên đàn vật nuôi ít khi bị dịch bệnh, thức ăn cho cá ở vùng này rất phong phú. Mỗi lần xuất ao, nhờ chất lượng cá đảm bảo nên dù xa xôi và đường đi lại khó khăn, thương lái vẫn vào tận nơi để thu mua… 2 năm nay, một phần diện tích rừng tràm đến kỳ thu hoạch, bước đầu mang lại thu nhập cho gia đình anh Diệu hơn 400 triệu đồng. Số diện tích rừng ngay sau khi khai thác, anh tiếp tục đầu tư trồng mới tràm, quyết tâm không để đất trống.
Khu vực Trèn ngày nào hoang sơ nay dưới bàn tay cần mẫn của người nông dân trẻ Trần Quang Diệu đã trở nên xanh màu cây rừng, những ao cá đã cho nhiều vụ bội thu, đàn lợn, dê chăn thả mang lại giá trị kinh tế cao. Anh Diệu chia sẻ: “Để phát triển mô hình, tăng thu nhập cho gia đình, tôi vừa hoàn thành việc san ủi mặt bằng khoảng hơn 1.000 m2 để sắp tới xây dựng chuồng trại chăn nuôi gà, vịt, ngan thả đồi với quy mô từ 500 - 700 con. Để phục vụ cho chăn nuôi gia cầm, chúng tôi chuẩn bị đầu tư dẫn điện vào tận mô hình”./.
Theo baoquangtri.vn