Hơn 10 năm kiên trì nuôi chồn hương, anh Võ Văn Quang ở thôn Nhất Hòa, xã Gio Hòa- huyện Gio Linh đã có nguồn thu nhập ổn định hàng tỷ đồng mỗi năm.
Đoàn cán bộ Hội Nông dân Trung ương thăm mô hình nuôi chồn hương của gia đình anh Quang
Anh Quang cho biết, anh đến với nghề này rất tình cờ. Trong khi phát nương làm rẫy, anh đã thuần hóa được 01 cặp chồn hương trong vườn. Từ đó, anh quyết định làm chuồng nuôi thử nghiệm và nhân giống. Anh quyết tâm ra Bắc học hỏi kỹ thuật nuôi và tìm đầu ra cho sản phẩm.
Năm 2007, với số vốn ít ỏi của gia đình, anh mua 05 cặp chồn hương về nuôi trong vườn. Từ đó đến nay, gia đình anh luôn tự chủ động nguồn giống, số lượng chồn hương trong chuồng duy trì từ 70- 80 con. Trung bình mỗi con đến thời điểm bán cân nặng từ 3- 4 kg.
Chia sẻ về những khó khăn khi chọn nuôi giống mới, anh Quang cho biết: Đây là loài vật nuôi khó thuần chủng. Với bản tính hoang dã nên nếu nhốt chung chuồng thường cắn nhau đến chết. Vì vậy, khi nuôi phải thiết kế những ô riêng biệt sao cho phù hợp với từng thời kỳ phát triển của chồn. Chuồng nuôi cần đảm bảo rộng rãi, sạch sẽ thì chồn mới sinh sản và phát triển tốt.
Về thức ăn, chồn hương ưa thích các loại côn trùng (kiến, mối, chuột, rắn…) và một số loại quả (đu đủ, chuối, mít, cà phê, rễ cây), ăn bữa chính với cháo, cơm vào ban đêm. Đã có lần, hơn 150 con chồn hương chết vì bệnh do gia đình anh sơ suất trong khâu chăm sóc gây thiệt hại 1,5 tỷ đồng, ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế gia đình. Không nản chí, anh quyết theo đuổi đến cùng và nay đã thành công, hiện tổng thu nhập của gia đình anh đạt từ 1,5 - 2 tỷ đồng/năm.
Tuy nuôi được chồn hương cũng vất vả nhưng nhu cầu của thị trường hiện tương đối lớn, chủ yếu là bán lẻ ra các tỉnh phía Bắc. Đây là động lực để anh mở rộng quy mô chăn nuôi. Mô hình hiện là nơi để nhiều hội viên, nông dân khác đến học hỏi, trao đổi kinh nghiệm và nhân rộng ở địa phương.
Nhận thấy địa hình, khí hậu ở Gio Hòa rất phù hợp với loại vật nuôi này, anh Quang tiếp tục mở rộng quy mô nuôi thêm một số loài thuộc họ gặm nhấm như: Nhím với 200 con và 150 con don cho gia đình thêm nguồn thu nhập khá, đồng thời tận dụng được các phụ phẩm nông nghiệp.
Ngọc Nhân