Sống ở thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ, diện tích đất vườn không được rộng nhưng người dân ở đây vẫn phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập bằng nhiều cách làm khác nhau. Trong đó, gia đình ông Trần Văn Định nhờ chịu khó tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm và áp dụng đúng các quy trình kỹ thuật từ khâu chọn giống cho đến chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh nên mô hình nuôi bồ câu đã mang lại hiệu quả rất cao.
Một mô hình nuôi chim bồ câu ở thị trấn Cam Lộ |
Ông Định chia sẻ, trước đây gia đình ông làm đủ nghề nhưng cuộc sống vẫn rất khó khăn, thuộc diện hộ nghèo. Năm 2010, trong một lần vào thăm người thân ở tỉnh Đồng Nai, nhìn thấy một số gia đình ở đây nuôi bồ câu mang lại thu nhập cao, ông đã học hỏi kỹ thuật và kinh nghiệm, sau đó mua 50 cặp, đưa về quê nuôi thử. Năm đầu tiên bị lỗ nhưng ông vẫn quyết tâm tham khảo sách báo và đi tham quan ở một số nơi, rút kinh nghiệm, nuôi lại. Cùng với xây dựng chuồng lưới kín, cao ráo, khô thoáng, ấm về mùa đông, mát về mùa hè, ông chọn lựa những con giống tốt và cung cấp đủ lượng thức ăn 2 lần/ngày vào thời điểm cố định. Thức ăn chủ yếu là ngô hoặc lúa xay trộn với cám công nghiệp theo tỷ lệ 80-20, tỷ lệ này bổ sung thêm những vi lượng dinh dưỡng cần thiết hỗ trợ cho quá trình sinh trưởng và không làm ảnh hưởng đến chất lượng thịt. Bên cạnh đó, mỗi năm đàn chim bố mẹ cần được tiêm phòng vắc xin 3 lần, chuồng nuôi thường xuyên được dọn dẹp vệ sinh, phun thuốc sát trùng. Điều quan trọng hơn là đặt mã số cho từng con chim bồ câu để quản lý, theo dõi sự phát triển của chúng để loại những con khả năng sinh trưởng kém. Với cách làm này, đàn bồ câu lớn nhanh, ông đã mở rộng quy mô và hiện tại có hơn 500 cặp sinh sản, phục vụ nhu cầu đa dạng của khách hàng từ mua con giống, mua thịt đến nuôi làm cảnh. Riêng trong đợt Tết Nguyên đán vừa qua, ông đã xuất bán hơn 100 cặp chim thương phẩm và chim giống, trừ chi phí thu được hơn 30 triệu đồng.
Theo ông Định, chim bồ câu dễ nuôi, sức đề kháng tốt, ít bệnh, chi phí thấp nhưng để có hiệu quả cao là việc làm không dễ. Muốn chim bố mẹ đẻ nhiều, nuôi con tốt phải chọn những con có lông bụng dày mượt, khỏe mạnh, mỏ xẻ, không có dị tật, lanh lợi, đuôi nhọn. Chim bồ câu mái có thể đẻ trải dài trong năm, lứa nọ tiếp lứa kia, khoảng cách giữa hai lứa khoảng 45 ngày, như vậy trong những điều kiện nuôi thả hợp lý, từ một cặp bồ câu có thể sản sinh ra 12 đến 14 lứa chim bồ câu con trong một năm. Khi thiết kế chuồng nuôi phải phù hợp với số lượng nuôi, trung bình cứ khoảng 1 đến 2 mét nuôi một cặp, dùng lưới B40, lưới cước, lưới mắt cáo vây kín xung quanh để không cho chim ra ngoài, chuồng nuôi nên chia làm 3 đến 4 tầng và chia chuồng thành các ô nhỏ cho mỗi cặp chim. Khi nuôi chim bồ câu non trong những ngày đầu từ 1 - 10 ngày tuổi được cho ăn bởi chim bố mẹ, vì vậy cần bổ sung chất dinh dưỡng cho chim bố mẹ ăn như cám để cho chim non dễ tiêu hóa và lớn nhanh hơn, ngoài ra trong thời gian này cũng cần nhỏ thuốc phòng bệnh và tăng nguồn vitamin để chim mẹ có đủ sức đề kháng nuôi con. Khi chim được khoảng một tháng đã mọc lông gần như đầy đủ và phần lớn thức ăn cho chim bồ câu non vẫn do bố mẹ bón và bồ câu đang học ăn vì vậy thức ăn phải nên mềm và đầy đủ chất để cho chim phát triển hết thể trạng chuẩn bị tách mẹ. Quá trình nuôi cần chú ý chim bồ câu là một trong những loài tiêu thụ nhiều nước nên phải thường xuyên bổ sung đầy đủ.
Ông Hồ Sĩ Phương, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Cam Lộ cho biết, với sự hỗ trợ ban đầu của hội 10 triệu đồng, ông Định đã xây dựng mô hình nuôi chim bồ câu nhốt. Nhờ cần cù, chịu khó cộng với tuân thủ đúng các quy trình kỹ thuật, mô hình đã mang lại thu nhập khá cho gia đình. Trong thời gian tới, hội sẽ tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên tham quan, học tập cũng như tiếp tục có các hình thức, biện pháp hỗ trợ để nhân rộng mô hình nuôi bồ câu cũng như tìm tòi, lựa chọn các loại vật nuôi, cây trồng phù hợp, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập./.
baoquangtri.vn