“Cây sắn dây nếu được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, mỗi gốc sẽ cho thu từ 70 - 80 kg củ tươi. Với giá bán hiện nay khoảng 15.000 đồng/kg, mỗi gốc sắn dây tôi thu được hơn 1 triệu đồng. Với 100 gốc sắn dây, trừ chi phí tính ra tôi thu lãi hơn 50 triệu đồng trên diện tích chưa đầy 0,5 ha”, đó là khẳng định của ông Phan Thanh Hải ở thôn Mai Đàn, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ về mô hình trồng sắn dây của mình.
Thu hoạch giống sắn dây lai ở Cam Chính, Cam Lộ |
Vừa dẫn chúng tôi đi xem vườn sắn dây rộng gần 9 sào, ông Hải cho biết, cây sắn dây từ lâu là cây trồng quen thuộc, tuy nhiên do chưa thấy được giá trị của nó nên người dân thường chỉ trồng vài cây trong vườn nhà. Do không chú ý đến khâu chăm sóc nên năng suất củ thấp, lại khó thu hoạch và tiêu thụ. Năm 2017, được sự hỗ trợ, hướng dẫn của ông Bùi Thanh Bình ở huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, ông Hải quyết định trồng thử nghiệm cây sắn dây với hy vọng đây sẽ là loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao. Sau khi tính toán kỹ, ông cùng ông Bình đầu tư hơn 50 triệu đồng thuê máy móc cải tạo hơn 9 sào đất vườn, đắp đất thành 100 ụ nổi, lắp đặt giàn lưới, khoan giếng để chủ động nguồn nước tưới và đưa giống sắn dây lai từ Hải Dương vào trồng. “Do đây là vụ đầu tiên nên tôi chỉ trồng 100 ụ, từ đầu vụ đến nay đã thu hoạch được khoảng 70 ụ. Trung bình mỗi ụ cũng được 70 - 80 kg, giá bán tươi từ 15.000 đồng/kg còn chế biến thành tinh bột thì có giá từ 200.000 đồng/kg trở lên”, ông Hải chia sẻ.
Trao đổi với chúng tôi về việc đưa cây sắn dây vào trồng thâm canh, ông Bùi Thanh Bình cho biết, sắn dây là một trong những cây trồng truyền thống ở huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương với diện tích hàng trăm héc ta. Theo đánh giá của nông dân, sắn dây là một loài cây dễ trồng, không kén đất, có thể trồng tận dụng ở các vùng đất ven kênh mương, ao, ruộng trũng, trồng xen trong vùng, vườn chuyển đổi. Đất trồng sắn dây thường là đất trồng một vụ lúa, hoặc là đất chuyên trồng sắn dây nhưng có xen canh với một số loại cây rau màu khác như bầu bí, mướp, rau cải... đất tận dụng. Cây sắn dây thường được trồng 1 vụ/ năm. Về kinh nghiệm trồng sắn dây, theo ông Bình sắn dây là loại cây dễ trồng, không kén đất, đặc biệt rất phù hợp với đất đỏ ba dan, chi phí đầu tư thấp, ít tốn công chăm sóc, ít dịch bệnh. Tuy nhiên do là cây lấy củ nên muốn có năng suất cao, ngoài chăm sóc thì khâu đắp ụ, làm giàn cần phải đặc biệt quan tâm. Theo đó, thay vì trồng theo cách từ trước tới nay người dân vẫn thường làm, ông đắp đất thành ụ nổi cao 1,5 - 2 m, mỗi ụ cách nhau 5 m. Đất trồng sắn dây trước khi đắp thành hình nón cụt được trộn đều với phân lân và NPK với liều lượng 10 kg/ụ. Bên trên ụ dùng cọc tre và dây thép để làm giàn cho sắn dây leo. Khi cây phát triển leo lên giàn và bắt đầu tạo củ thì ngừng bón phân, tập trung tưới nước. Theo kinh nghiệm của ông Hải, ụ trồng sắn dây phải to, đảm bảo cho củ sắn dây phát triển, đất phải mới, càng tơi xốp thì củ càng to. Giàn phải đủ cho dây sắn leo, tránh hiện tượng dây sắn trên giàn quá dày dẫn đến quang hợp kém. Đặc biệt không để dây sắn chạm đất, sắn dây sẽ đâm rễ tạo gốc mới dẫn đến giảm năng suất, cho hiệu quả không cao. Không được trồng trực tiếp cây giống vào phân. Ngoài ra trong quá trình trồng cần tưới giữ ẩm cho cây, giai đoạn gần thu hoạch có thể bón thúc thêm 1 - 2 kg kali/gốc, chia làm 2 lần, mỗi lần cách nhau 10 ngày. Với cách trồng này, cây sắn dây không chỉ cho củ to, đều mà còn giúp nông dân dễ thu hoạch. Về thời vụ trồng, nên bắt đầu trồng từ tháng 3 đến tháng 5 âm lịch để cây có thời gian tích lũy tinh bột cao nhất. Cây sắn dây sau khoảng 9 - 12 tháng trồng bắt đầu cho thu hoạch. Thời điểm thu hoạch củ sắn dây tốt nhất là khi cây chuẩn bị rụng lá trên giàn, vì đây là thời điểm cây tích lũy hàm lượng tinh bột cao nhất và phải thu hoạch xong trước khi cây mọc mầm trở lại vì lúc này củ sắn dây sẽ không lớn thêm nữa mà tinh bột trong củ sẽ quay trở lại để nuôi cây. Không nên sử dụng phân chuồng vì sẽ làm củ bị đen, nếu sử dụng phân chuồng chỉ nên dùng phân gà. Về giống sắn dây, thay vì sử dụng giống sắn dây địa phương, nên sử dụng giống sắn dây lai đưa từ Hải Dương vào. “Giống sắn dây địa phương có năng suất thấp, ít củ, củ dài nhỏ, nhiều xơ, khi chế biến có mùi hôi, còn giống sắn dây Hải Dương cho củ to, hàm lượng tinh bột cao, ít xơ”, ông Bình cho hay.
Củ sắn dây sau khi thu hoạch về có thể được bán tươi hoặc chế biến thành bột sắn dây. Theo ông Hải, bình quân 6 - 7 kg củ tươi sẽ thu được 1 kg tinh bột, nếu khai thác đúng thời điểm củ tích lũy được hàm lượng tinh bột cao nhất thì chỉ khoảng 5 kg củ tươi sẽ cho 1 kg tinh bột. Để chế biến tinh bột, củ sắn dây sau khi lấy từ vườn về được rửa sạch, để ráo nước rồi chia thành nhiều khúc nhỏ và cho vào máy xay. Sắn dây sau khi xay nhuyễn sẽ chuyển qua công đoạn lọc trên vải thưa cùng nước để loại bỏ bã. Qua nhiều lần lọc như thế, người làm thu được nước bột lọc tinh có màu trắng đục. Sau khi thay nước liên tục trong nhiều ngày, bột sắn sẽ lắng ở phía dưới. Chắt bỏ phần nước trên bề mặt để thu tinh bột sắn ướt. Phần nguyên liệu này sau khi đem phơi hoặc sấy khô sẽ cho ra bột sắn dây thành phẩm. Ông Hải cho biết thêm, bột sắn dây nguyên chất thì khi phơi hoặc sấy khô đến mức độ nhất định sẽ tự rã ra thành những hạt nhỏ, dạng mảnh, có màu trắng tinh khiết, hương thơm tự nhiên, hạt nhỏ, khô, tan nhanh trong nước và không bị lắng cặn. Bột khi pha với nước sôi tạo thành hỗn hợp đặc sánh, trong, không bị gợn. Trao đổi với chúng tôi về dự định trong thời gian tới, ông Hải cho biết, rút kinh nghiệm từ vụ đầu tiên, vụ này ông sẽ đắp ụ nhỏ hơn, khoảng 2 - 4 m3 để tăng thêm số cây và thu hoạch dễ dàng hơn. Đồng thời điều chỉnh thời gian trồng để tránh mưa rét, sương muối cuối vụ cũng như thuận lợi hơn trong việc phơi sấy.
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Chủ tịch UBND xã Cam Chính cho biết, tổng diện tích đất nông nghiệp toàn xã hơn 5.296 ha. Thực hiện chủ trương cơ cấu lại nông nghiệp, nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích, những năm qua, UBND xã đã tích cực thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa vào trồng một số loại cây chủ lực như cao su, hồ tiêu, nghệ, dứa…và hiệu quả kinh tế mang lại tương đối cao. Đánh giá về mô hình trồng sắn dây của ông Phan Thanh Hải, theo ông Lâm, qua theo dõi có thể thấy đây là loại cây trồng phù hợp, chi phí thấp nhưng cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao. “Chúng tôi vừa tổ chức hội nghị đánh giá, rút kinh nghiệm và chỉ đạo nhân rộng. Đến nay các hộ dân trong xã đã đăng ký trồng sắn dây với tổng diện tích 2,5 ha. Để quy hoạch thành vùng trồng tập trung, UBND xã đã quyết định cho các hộ này mượn đất từ nguồn quỹ đất của xã. Phối hợp với Hội Nông dân tỉnh cho các hộ nông dân vay vốn từ nguồn hỗ trợ sản xuất với tổng số tiền 150 triệu đồng. Đăng ký với Phòng Công thương huyện xây dựng thương hiệu “Sắn dây Cam Chính”. Đồng thời đang tích cực tìm kiếm các doanh nghiệp thu mua, chế biến để chủ động đầu ra cho nông dân”, ông Lâm cho hay./.
baoquangtri.vn