“Tôi thấy trong các đoàn thể, chính quyền thì người làm cán bộ Hội Nông dân (ND) là khó nhất, đặc biệt là ở cấp cơ sở, cấp chi hội vì chính họ vừa phải là nông dân giỏi, vừa phải là cán bộ có sức cuốn hút”.
Ông Làn Mậu Thành - Nông dân giỏi cấp Trung ương năm 2014. Ảnh: K.T
Làm giỏi và… nói giỏi
Nông dân là đối tượng đông đảo nhất và khó khăn nhất trong xã hội. ND vùng cao lại càng khó khăn, thiếu thốn nhiều hơn. Không chỉ thiếu ăn, thiếu vốn đầu tư, họ còn thiếu cả tri thức, kinh nghiệm, ngay cả là những cái rất nhỏ như: Cách làm vườn rau xanh gia đình, cách lựa chọn giống gà, giống lợn; thời điểm xuất chuồng tốt nhất với vật nuôi hàng hóa, cây trái hàng hóa…
Bởi thế những buổi sinh hoạt Hội ND ở bản, thôn… thường có những câu hỏi thiên về trao đổi kinh nghiệm sản xuất hơn là chỉ trao đổi nghiệp vụ công tác hội. Hội viên, ND thì đông mà với những câu hỏi ấy, muốn trả lời được cho hội viên, cán bộ hội phải là người trưởng thành từ thực tiễn, phải biết cách diễn giải thực tiễn đó với câu chữ của ND, tức là nói làm sao cho ND dễ hiểu nhất, dễ nhớ nhất, dễ vận dụng nhất. Vì thế, cán bộ Hội ND không chỉ là người giỏi làm mà còn phải là người nói giỏi. Nếu nói không giỏi thì với ND, những kinh nghiệm, tri thức mà cán bộ hội muốn trao cũng chỉ trở thành những điều thiếu sức lôi cuốn, và không sát thực.
Với những đoàn thể khác như cựu chiến binh, đoàn thanh niên… phần lớn các thành viên có mặt bằng trình độ nhận thức cao hơn so với ND. Sự gắn bó giữa hội viên với cán bộ cũng có thể không cần sát thực hàng ngày. Nhưng với ND, cán bộ không sát thực thường xuyên thì không thể hoàn thành nhiệm vụ trên cả hai phương diện: Lãnh đạo và tham mưu.
Không gần dân, không thành cán bộ hội
Nông dân làm nhiều hơn nói, nhất là nông dân vùng cao, nên có nhiều cái là thành tích, là chiến công của họ, nhưng nếu không ai hỏi thì họ cũng chẳng nói, chứ đừng nói đến việc ngồi chờ họ “báo cáo thành tích”. Vì thế, cán bộ Hội ND nếu không bám ruộng đồng, bám đoàn viên, bám bản làng thì không thể có những thông tin sát thực nhất, mới nhất để báo cáo, tham mưu với cấp trên, cũng như không thể lãnh đạo kịp thời trước những diễn biến, yêu cầu thực tiễn.
Việc làm ăn của ND diễn ra hàng ngày trên ruộng, trên nương, trên sông, suối, khe rạch, chợ búa và luôn cần một sự định hướng rõ ràng. Chẳng hạn, vào mùa này ND bắt đầu sử dụng nhiều phân bón và thuốc bảo vệ thực vật để chăm sóc cây trồng, kích thích hoa trái, diệt cỏ...
Nếu cán bộ Hội ND không sát dân thì không thể tham mưu hiệu quả với cấp trên, phối hợp với lực lượng chức năng để tuyên truyền, hướng dẫn, chỉ đạo kịp thời về cách thức chăm sóc cây trồng gắn với bảo vệ môi trường, bảo vệ ND trước những vấn nạn về hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng cũng như bị o ép về giá thuốc bảo vệ thực vật, giá phân bón.
Thời điểm này cũng là điểm khởi đầu mùa mưa bão. Nếu cán bộ hội không sát dân, không thể biết người dân ở khu vực nào đang có thể gặp nguy hiểm trước những nguy cơ sạt lở đất, tắc đường, lũ cuốn, sập nhà cửa… Khi không nắm rõ, thì không thể tham mưu và cũng không thể chỉ đạo. Tôi nghĩ mãi rồi. Làm cán bộ Hội ND là khó lắm. Nhưng nếu làm tốt thì luôn được đông đảo người dân quý mến, tình làng nghĩa xóm vì thế cũng đầm ấm hơn, phát triển tốt hơn.
Hoinongdan.org.vn