Đến khu phố 4, thị trấn Gio Linh, huyện Gio Linh (Quảng Trị), hỏi người dân ở đây ai cũng biết anh Hoàng Xuân Nho, người chuyên thu mua vỏ trấu và là chủ một cơ sở sản xuất củi trấu.
Bước vào cơ sở của anh, chúng tôi thấy những bao vỏ trấu được chất thành đống cao khoảng 3 đến 4 mét, bên cạnh là những thanh củi trấu được xếp ngay ngắn chờ công nhân đóng bao. Anh Nho cho biết, trước đây anh làm nhiều nghề, nhưng thu nhập không đảm bảo cuộc sống gia đình, lo cho con cái ăn học. Sau nhiều lần suy nghĩ, tìm tòi, anh nhận thấy dùng vỏ trấu để làm chất đốt rất tốt, thân thiện với môi trường, nguồn nguyên liệu lại dồi dào, giá rẻ. Đánh giá cao tiềm năng kinh tế từ vỏ trấu, anh lên mạng internet học hỏi kinh nghiệm làm củi trấu từ các cơ sở trong nước. Đầu năm 2014, anh quyết định vay vốn ngân hàng mua một chiếc máy ép củi trấu và mở cơ sở nhỏ để sản xuất. Ban đầu, nguồn vốn còn hạn hẹp, vừa sản xuất, vừa tìm đầu ra cho sản phẩm nên anh chưa đủ tiền thuê nhân công, do đó cả hai vợ chồng vừa là chủ, cũng vừa là người làm. Sau này, khi sản phẩm đã tìm được đầu ra ổn định, anh dần dà trả hết nợ ngân hàng và mua một chiếc xe tải nhẹ để thu mua vỏ trấu trong địa bàn huyện Gio Linh và Cam Lộ.
Anh Nho và cơ sở sản xuất củi trấu của gia đình |
Anh Nho kể: “Lúc đầu đi thu mua vỏ trấu thì hai vợ chồng với chiếc xe kéo, đi hết nhà xay xát lúa gạo chỗ này tới chỗ khác. Có những ngày trời mưa, đường trơn trượt, bùn lầy khó đi, nhưng vợ chồng cùng cố gắng và ước gì mua được chiếc xe tải để bớt mệt nhọc hơn. Bây giờ thì ước mơ đó đã thành hiện thực rồi”.
Hiện nay, cơ sở của anh mỗi ngày sản xuất được 2,5 đến 3 tấn củi thành phẩm, cung cấp cho Khu công nghiệp Quán Ngang – Gio Linh, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 7 – 8 lao động là người dân trong khu phố với mức thu nhập từ 3,5 đến 4,5 triệu đồng/ người/tháng.
Anh Nho cho biết: Mỗi thanh củi trấu dài từ 60 – 80 cm, đường kính khoảng 80mm, cân nặng từ 3,2 – 3,7 kg/ thanh. Mỗi ngày cơ sở của anh tiêu thụ trên 5 tấn vỏ trấu. Cứ 1,5 tấn vỏ trấu thì cho ra 1 tấn củi. Giá một tấn vỏ trấu là 300 ngàn đồng, một tấn củi là 1 triệu đồng. Trừ chi phí như tiền mua nguyên liệu, tiền điện, tiền thuê nhân công, mỗi tháng vợ chồng anh lãi trên 15 triệu đồng. Các cơ quan chức năng của huyện Gio Linh đánh giá mô hình sản xuất của anh là mô hình tiên tiến, thân thiện với môi trường. Sản phẩm củi trấu khi đốt không có khí lưu huỳnh và CO2 gây ô nhiễm môi trường, tiết kiệm nhiên liệu gần 40% so với khi sử dụng than đá. Bên cạnh đó, sau khi đốt, củi trấu còn có thể thu được tro dùng trong phân bón hoặc sản xuất vật liệu xây dựng.
Đặc biệt, vào tháng 4/2015, anh Nho vinh dự được Hội Nông dân tỉnh chứng nhận danh hiệu: “Hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh giai đoạn 2010-2014”. Anh Nho chia sẻ: “Được công nhận nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, tôi tự hào lắm. Tới đây, tôi sẽ đầu tư máy móc, mở rộng xưởng, phát triển quy mô sản xuất hơn nữa, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho bà con để xứng đáng với danh hiệu mà mình đạt được”.
baoquangtri.vn