Bên cạnh đầu tư chăn nuôi, trồng trọt các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực để phát triển kinh tế, thời gian qua nhiều hộ dân ở xã Thuận, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) còn chú trọng trồng mướp đắng sạch. Mướp đắng thu được của người dân nơi đây không chỉ đảm bảo thực phẩm sạch cho gia đình mà còn bán ra, mang lại thu nhập khá.
Nhận thấy ở các xã miền núi ít người quan tâm trồng các loại rau, củ, quả sạch làm thức ăn mà chủ yếu mua từ lái buôn miền xuôi đưa lên, năm 2014 anh Nguyễn Cừ, thôn Thuận Trung 2, xã Thuận tiến hành đúc trụ bê tông, xây dựng hệ thống giàn để trồng mướp đắng trên diện tích hơn 400 m2. Năm đầu tiên, do chưa có kinh nghiệm chăm sóc nên cây mướp đắng phát triển kém nhưng anh vẫn kiên trì, dồn tâm sức với việc trồng loại cây này. Từ năm 2015 đến nay, vườn mướp đắng của anh phát triển tốt, sai quả, thu được lợi nhuận khá cao, riêng lứa mướp đắng mới trồng chuẩn bị vào mùa thu hoạch. Những trái mướp đắng được vợ chồng anh dùng bao ni lông bọc rất cẩn thận để bảo vệ. Năm nay anh Cừ ước tính có thể thu từ vườn mướp đắng gần 50 triệu đồng. Đặc biệt, quá trình trồng và chăm sóc cho cây, anh không dùng các loại hóa chất phun, kích thích cho trái to mà luôn để cho mướp đắng phát triển tự nhiên. Do đó, sản phẩm mướp đắng của gia đình anh luôn là địa chỉ tin cậy đối với người tiêu dùng.
Trồng mướp đắng đem lại thu nhập khá cho nhiều hộ gia đình ở xã Thuận |
Anh Cừ chia sẻ: “Trước đây, vườn nhà tôi trồng các loại cây ngắn ngày nhưng không mấy hiệu quả. Nhận thấy cần phải chuyển đổi cây trồng phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình, tôi quyết định trồng cây mướp đắng. Năm đầu tiên trồng thử nghiệm, do chưa biết cách phòng bệnh cho cây nên phần lớn cây trong vườn nhà bị thối rễ, trái thì bị ong châm. Qua vụ sau, rút kinh nghiệm, tôi tiến hành bọc trái, chăm sóc cây nên năng suất và chất lượng quả mướp đắng cao hơn hẳn. Nhờ thị trường tiêu thụ sản phẩm khá thuận lợi, giá cả hợp lý nên chúng tôi có thêm động lực để đầu tư trồng loại cây này”.
Mướp đắng là loại cây khá dễ trồng, có thể thích ứng tốt trên nhiều loại đất khác nhau. Bên cạnh đó, thời vụ thu hoạch quả dài, ít bị sâu bệnh. Quả mướp đắng có nhiều công dụng đối với sức khỏe của con người, đặc biệt loại quả này có thể chế biến thành nhiều món ăn phong phú, ngon miệng, bổ dưỡng. Nhận thấy lợi ích từ quả mướp đắng, hiện ở xã Thuận có trên 10 hộ trồng mướp đắng, họ luôn ý thức đảm bảo sản phẩm mướp đắng sạch khi đến tay người tiêu dùng. Nhờ trồng mướp đắng, bình quân mỗi hộ thu nhập từ 40 -60 triệu đồng/năm. Anh Nguyễn Văn Ánh, thôn Thuận Trung 2 cũng đầu tư trồng mướp đắng trên diện tích hơn 600 m2. Mấy năm trở lại đây, loại cây này góp phần đưa lại thu nhập khá cho gia đình anh.
Anh Ánh cho biết: “Chúng tôi trồng mướp đắng trước hết là để ăn, sau đó mới bán. Để bảo vệ sức khỏe gia đình và người tiêu dùng, chúng tôi cam kết không phun thuốc, hóa chất độc hại trên cây và quả mướp đắng. Vì vậy, nhiều người đến thăm vườn của gia đình tôi, thấy được cách chúng tôi trồng, chăm sóc mướp đắng luôn tin tưởng và đặt hàng, thu mua tại vườn”.
Mô hình trồng mướp đắng sạch đang được nhân rộng ở địa bàn xã Thuận, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân địa phương. Ông Hồ A Kiêm, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Thuận cho biết: “Để phát triển các mô hình kinh tế trên địa bàn, thời gian qua chính quyền địa phương khuyến khích người dân khai thác diện tích đất lâu nay sử dụng không hiệu quả để trồng những loại cây phù hợp với đất đai, thời tiết ở địa phương. Bên cạnh đó, tuyên truyền, vận động người dân không vì lợi nhuận trước mắt mà phun hóa chất độc hại trong quá trình trồng các loại cây ăn quả, rau màu. Riêng đối với cây mướp đắng trên địa bàn, các hộ đầu tư trồng khá bài bản và ai cũng cam kết không phun hóa chất độc hại lên cây và quả, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Chúng tôi đề nghị các cấp, các ngành thời gian tới cần quan tâm hỗ trợ vốn, mở các lớp tập huấn về khoa học kỹ thuật trồng cây mướp đắng cho người dân địa phương”.
baoquangtri.vn