Cây môn Tây trắng là loài cây trồng đã có từ lâu trên đất Vĩnh Linh, sinh trưởng và phát triển tốt trên nền đất đỏ Bazan, cây môn Tây trắng, dễ trồng, dễ chăm sóc nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Củ môn có thể luộc ăn trực tiếp, dùng nấu Lagu và các món ăn dân giả khác, được tiêu thụ trên địa bàn cả nước…Từ bao đời nay, cứ đầu mùa mưa bà con trong xã khẩn trương ra đồng trồng môn, trồng khoai…, chờ đến cuối vụ là thu hoạch. Tuy nhiên, trong 5 - 6 năm trở lại đây dịch bệnh vàng rụi lá đã hoành hành làm cho cây môn điêu đứng khi đang sinh trưởng, phát triển tốt lá bị vàng dẫn đến thúi đọt và cây chết, làm cho nông dân thiệt hại.
Anh Hồ Xuân Dũng, hội viên chi hội nông dân thôn Động Sỏi, xã Vĩnh Thạch, đã tìm tòi, học hỏi, đúc rút kinh nghiệm và ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng cây môn Tây trắng có hiệu quả, niên vụ 2013 gia đình anh trồng 05 ha, năng suất đạt 1 tấn/sào với giá bán bình quân 16.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí anh thu được trên 100 triệu đồng, dự kiến năm 2014 anh sẽ mở rộng diện tích trồng môn lên 07 ha.
Giống củ môn Tây trắng của nhà anh Dũng
Chia sẽ kinh nghiệm trồng môn tại hội nghị nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của xã Vĩnh Thạch, anh cho biết: Muốn trồng môn thành công trước hết phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật, đặc biệt là việc chọn giống sạch bệnh, bảo quản và xử lý tốt nầm bệnh khi cất giữ giống và trước khi trồng, xử lý bằng thuốc trừ nấm Rovral trong vòng 12 giờ, sau đó rửa sạch, trùm bao lên củ giống thời gian từ 1-3 ngày sau đó phủ lớp tro trấu lên mặt 1 lớp rơm mỏng, sau 12 - 15 ngày lấy ra trồng, phân loại củ giống theo mầm dài trồng trước và mầm ngắn trồng sau để dễ chăm sóc , không nên sử dụng giống ở những ruộng môn đã bị nhiễm bệnh.
Khoảng cách trồng cây cách cây 0,5m, hàng cách hàng 1m, xử lý đất : Tưới thuốc trừ nấm bệnh cộng với thuốc trừ sâu dạng hạt như Basudin để diệt kiến trong đất. Bón lót cho 01 sào: Toàn bộ phân hữu cơ hoai 1,5 - 2m3 + 40kg vôi + 20 - 25kg NPK (20-20-15) hoặc dùng phân đơn. Bón thúc sau 30 - 40 ngày trồng với 5 kg đạm + 5kg kali, phun thuốc diệt nắm gây bệnh vàng lá thối củ bằng thuốc trừ nấm như: Derosal, Antracol, Copper B, Daconil…
Trong quá trình chăm sóc cây môn phải chú ý đến độ ẩm của ruộng, phun thuốc trừ nấm vào mùa mưa, tuyệt đối không để nước tràn từ ngoài vào ruộng, vì thế sẽ bị mầm bệnh từ bên ngoài lây lan.
Với cách làm như trên, cộng với sự thăm đồng thường xuyên nên ruộng môn nhà anh Dũng không bị bệnh, cho năng suất cao, mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình. Anh là người nông dân đi đầu trong việc trồng, chăm sóc, phòng trị bệnh cho cây môn Tây trắng ở địa phương, một cây đặc sản của quê hương Vĩnh Linh, cây xóa đói giảm nghèo và giúp nhiều hộ nông dân vươn lên làm giàu. Anh cho biết thêm ngoài việc trồng cây môn gia đình anh còn trồng thêm 700 cây cao su, 03 sào tiêu, 05 ha lạc, 03 sào ngô, trồng cỏ nuôi 4 con bò và 03 lợn nái, 10 heo thịt… mỗi năm thu nhập trên 250 triệu đồng đủ cho anh nuôi 02 đứa con đi học, xây dựng nhà cửa và trang trãi cuộc sống gia đình…
Anh Hồ Xuân Dũng, (đầu tiên từ bên trái sang) nhận Giấy khen của UBND xã Vĩnh Thạch
Tại Hội nghị Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, anh Hồ Xuân Dũng được UBND xã Vĩnh Thạch tặng Giấy khen.
Nguyễn Đán